Tôi thường nói với vợ và các con:
Sáng 18-12-1972, tôi từ nơi sơ tán ở làng An Cự, xã An Duyên, Vụ Bản, Nam Định đạp xe đạp lên chơi với bà ngoại ở phố Ngọc Hà (Hà Nội). Tối hôm đó, đang dở bữa cơm thì còi báo động vang lên. Mọi người chạy xuống căn hầm chữ A ở vườn sau nhà. Ít phút sau đã nghe tiếng bom dội, rung chuyển cả căn hầm. Tuy đã quen với bom đạn nhưng lúc ấy tôi vẫn cảm giác được điều khác thường của đêm nay. Còi báo động suốt đêm không dứt. Tôi và mọi người ngủ gà ngủ gật trong hầm. Bà ngoại tôi thì thầm sau một đợt bom rền: “Nó thả bom gần lắm cháu ạ!”.
Đúng như bà nói, ngay sáng sớm, mọi người đã biết khu An Dương bị B-52 rải thảm. Tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà, đi khắp nơi. Qua các ngả đường Hà Nội, thấy những dáng người, những khuôn mặt mệt mỏi. Các quầy báo đông kín người mua. Tôi mua một tờ Hànộimới, lướt qua dòng tin về trận đánh trong đêm của người Hà Nội. Gần trưa, trở về nhà bà ngoại, tôi xin dì mấy tờ giấy và ngồi viết. Tên bài thơ được ghi ngay, không chút lưỡng lự: “Đêm chiến thắng!”, và, “liều” hơn, tôi nắn nót ghi ngay dưới tên bài thơ một dòng: Tặng Hà Nội kính yêu!
Âm hưởng bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vang lên trong tôi và những câu thơ đầu tiên chính là lời bài hát:
“Đây Thăng Long…
Đây Đông Đô…”
Mạch thơ tuôn trào, bây giờ, khi đọc lại, tôi cảm thấy hình như có nhiều câu “già” hơn tuổi 16 của mình lúc ấy. Chỉ khoảng một giờ là tôi viết xong. Chép lại thật sạch sẽ, tôi cho bài thơ vào phong bì, đề “Kính gửi: Tòa soạn Báo Hànộimới”. Tôi còn mở tờ Hànộimới vừa mua buổi sáng để ghi rõ ràng địa chỉ: Số 44, Lê Thái Tổ, Hà Nội.
Tôi lại dắt xe ra khỏi nhà, tới tòa soạn báo. Vừa đạp xe, vừa lẩm nhẩm bài thơ. Không dám vào bên trong tòa soạn, tôi đi đi lại lại trước hòm thư ngay cửa, cuối cùng quyết định thả cái phong bì đựng bài thơ vào đó. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu tôi: Liệu bài thơ của mình có được tòa soạn để ý không? Biết bao nhà thơ nổi tiếng chắc chắn sẽ viết thơ gửi về, liệu thơ mình có ra cái gì không? Nhưng, tôi tin chắc chắn bài thơ về trận đánh đêm qua của mình được gửi đến Hànộimới sớm nhất.
Mấy ngày ở Hà Nội và cả khi trở về nơi sơ tán, ngày nào tôi cũng tìm cách để xem Hànộimới có đăng bài thơ của mình hay không. Thế rồi, đến ngày 31-12-1972, tôi tới quầy báo, mở tờ Hànộimới ra, không thể tin bài thơ của tôi đã được đăng (hôm ấy đã kết thúc 12 ngày đêm lịch sử). Tôi chỉ đủ tiền mua hai tờ Hànộimới, lòng vui sướng vì có bài thơ đầu tiên được đăng báo. Tôi đọc đi đọc lại cả bài thơ, phát hiện ra câu gần cuối bài “Hỏi quân thù, bay hiểu rõ hơn chưa” đã được tòa soạn sửa thành “Hỏi quân thù, bay mở mắt ra chưa?”. Câu sửa của tòa soạn làm cho ý tứ mạnh mẽ hẳn lên.
Ít ngày sau, tôi lại đạp xe lên Hà Nội. Vừa thấy tôi, bà ngoại kể: “Cháu về ít hôm thì có một nhà báo tới đây hỏi nhà có ai là Lê Anh Tuấn (tên của tôi lúc đó - NV) không?”. Bà bảo: “Đó là cháu ngoại tôi, nó về Nam Định rồi”.
Hôm tôi tới Tòa soạn Báo Hànộimới, nói mình là tác giả của bài thơ “Đêm chiến thắng”, tôi được hướng dẫn sang lấy nhuận bút (hình như là khoảng 5-7 đồng gì đó). Tôi muốn, mà không dám xin gặp người đã biên tập bài thơ.
... 40 năm trôi qua, nhớ lại kỷ niệm với Hà Nội, với Báo Hànộimới, với Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, xin kể lại câu chuyện mà bây giờ tôi mới kể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.