LTS: Cách đây 40 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhân dịp này, Báo Hànộimới đăng loạt bài về hồi ức của những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia Đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris.
95 tuổi, Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu vẫn minh mẫn. Ông nhận được giấy mời của Bộ Ngoại giao ra Hà Nội nhận khen thưởng dành cho Phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Paris, nhưng tuổi cao nên vị Phó Trưởng Đoàn ngày nào không có điều kiện để đi. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, dù tuổi đã cao, nhà ngoại giao kỳ cựu vẫn tạo ấn tượng về sự lịch thiệp.
Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu (thứ 3 từ trái sang) tại Hội nghị Paris. |
Đoàn 37 và cuộc chiến không khoan nhượng
Là Phó Trưởng Đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đàm phán với Chính phủ Mỹ, ông Hà Văn Lâu được coi là một trong số những người đi tiền trạm lúc đó. Giọng trầm ấm, ông kể: Sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ VNDCCH đề nghị đàm phán với Chính phủ Mỹ, tổ chức nói chuyện hai bên tại Paris. Mỹ chấp nhận đề nghị của ta. Đây mới là cuộc nói chuyện hai bên chứ chưa phải hội nghị. Chính phủ ta lập Đoàn đại biểu do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, tôi làm Phó đoàn, gồm 37 đồng chí. Ngoài đồng chí Xuân Thủy, tôi còn nhớ có luật sư Trần Công Tường - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, luật gia Phan Hiền - Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Minh Vỹ (Tôn Thất Vỹ) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin, đồng chí Nguyễn Thành Lê - Phó TBT Báo Nhân Dân. Đoàn gồm 37 người nên có tên gọi là Đoàn 37. Còn phái đoàn Mỹ do William Averell Hariman - một nhà ngoại giao kỳ cựu, một cựu đại sứ già dặn, làm Trưởng đoàn, luật sư Cyrus Vance - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó đoàn, cùng các thành viên Philippe Habib - chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Việt Nam, nhà ngoại giao W.Jordan và chuyên viên Negroponte...
Để chuẩn bị, đoàn cử tôi cùng đồng chí Nguyễn Minh Vỹ đi tiền trạm. Nhiệm vụ của tôi là chuẩn bị chỗ họp và ngày làm việc cho phái đoàn ta với phái đoàn Mỹ. Chúng tôi sang Paris đúng ngày 7-5-1968, ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 8-5, tôi sang gặp đồng chí Georges Marchais - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (ĐCS) Pháp, đưa bức thư đồng chí Lê Đức Thọ gửi đồng chí Marchais nhờ giúp chỗ ăn ở của đoàn. Đồng chí Marchais hỏi tôi: "Đoàn các đồng chí định ở lại bao lâu?". Tôi không rõ vì lúc đó ở nhà không tính đến. Theo ý nghĩ chủ quan của mình, tôi trả lời: "Có lẽ đoàn chúng tôi ở khoảng độ 5, 7 tháng". Nhưng chúng ta đã ở gần 5 năm (cười). Sau đó, ĐCS Pháp đã bố trí nhường Trường Đảng cao cấp Maurice Thorez - nằm ở thị trấn Choisy le Roi, cách Paris 10 cây số, là trụ sở làm việc của phái đoàn ta. Ngày 10-5, đồng chí Xuân Thủy sang, chưa kịp chuẩn bị nên phải ở tạm khách sạn Lutésia hai ngày. Đến ngày 13-5, hai đoàn gặp nhau sơ bộ. Nhiệm vụ tiền trạm của tôi đến đấy hoàn thành.
Đóng góp của Đoàn 37 tại Hội nghị rất quan trọng. Giai đoạn đầu (từ ngày 13-5 đến 31-10-1968), ta đòi Mỹ chấm dứt ném bom vô điều kiện. Ta nhấn mạnh chữ "vô điều kiện" nhưng Mỹ đòi ra điều kiện mới chấm dứt ném bom. Tất nhiên, ta không chịu mà kiên quyết đòi chấm dứt ném bom vô điều kiện. Ta có hai phương thức đấu tranh, đấu tranh công khai họp tại Kléber và đấu tranh bí mật. Đấu tranh công khai, ta huy động nhân dân Pháp tiến bộ và nhất là Việt kiều lên án tội ác chiến tranh của Mỹ. Ngoài công khai, còn có những cuộc tiếp xúc bí mật đi vào thăm dò để giải quyết từng vấn đề. Tổng cộng, hai bên đã có 28 cuộc họp công khai và 12 cuộc họp bí mật cấp Phó đoàn.
Tôi tham gia chủ yếu ở giai đoạn thứ nhất, giai đoạn thăm dò phía Mỹ. Trong khi thăm dò, tôi có nhiệm vụ thay mặt cho Đoàn VNDCCH gặp gỡ riêng với Cyrus Vance - Phó đoàn phụ trách về quân sự. Trong các cuộc gặp riêng, tôi cùng anh Nguyễn Minh Vỹ đấu tranh với Vance và Habib - một tay cố vấn rất am hiểu Đông Dương. Qua 12 cuộc gặp gỡ bí mật, ta đánh lùi dần các lập trường và điều kiện của Mỹ theo đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị, cuối cùng buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc vô điều kiện vào ngày 31-10-1968.
Vậy trong suốt thời gian tham gia Hội nghị Paris, có khi nào ông gặp tình huống căng thẳng đến mức gay gắt không? Chúng tôi hỏi. Có hai lần găng nhất. Lần thứ nhất, họp riêng hai Phó đoàn, Vance đòi ra điều kiện mới đồng ý chấm dứt ném bom, còn tôi yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ném bom vô điều kiện. Lần thứ hai là phiên họp riêng, có đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Xuân Thủy và tôi. Lần đó, ta không cho phái đoàn Sài Gòn vào họp. Hariman dọa: "Nếu vậy thì chiến tranh còn tiếp tục, bom sẽ lại dội lên đầu các ông". Nghe vậy, đồng chí Xuân Thủy nổi giận. Bình thường rất nhã nhặn nhưng lúc đó, đồng chí Xuân Thủy đập bàn ba lần và nói: "Ông dọa ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng chống lại". Đồng chí Lê Đức Thọ đấu dịu: "Ông dọa chiến tranh không được đâu. Chúng ta đã đánh nhau nhiều năm rồi, không lạ gì nhau nữa". Hariman suy nghĩ một hồi và xin rút câu: "Bom sẽ lại dội trên đầu các ông"…
Bốn yếu tố làm nên chiến thắng
Đầu năm 1970, ông Hà Văn Lâu rời Hội nghị Paris về nước trong khi cuộc đàm phán bốn bên mới bắt đầu được một thời gian ngắn. Ông cho biết: Chính phủ điều động tôi về nước để tiếp tục làm nhiệm vụ cũ trong Ủy ban Quốc tế (UBQT) kiểm soát, giám sát việc thi hành Hiệp định Genève kiêm Ủy viên Thường trực Ủy ban Điều tra (UBĐT) tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại, UBQT được thành lập từ năm 1954 có Ấn Độ làm Chủ tịch, Canada và Ba Lan làm Ủy viên. Bên cạnh UBQT có hai phái đoàn, của ta - Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do tôi làm Trưởng đoàn. Phái đoàn của Pháp do Thiếu tướng Beaufort làm Trưởng đoàn. UBQT làm việc thường kỳ, có nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Genève. Đến năm 1967, do tội ác của đế quốc Mỹ, nhà triết học nổi tiếng người Pháp là Jean Paul Sartre và vợ là nhà văn Simone de Beauvoir cùng với nhiều nhân sĩ quốc tế đã thành lập Tòa án quốc tế Bertrand Russel - tên một nhân sĩ người Anh - do Sartre làm chủ tọa. Cụ Russel đã gửi thông báo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề nghị Việt Nam tham gia. Hồ Chủ tịch hoan nghênh và tỏ ý sẵn sàng hợp tác, thành lập UBĐT tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ do tôi làm Ủy viên Thường trực. UBĐT đã cử các nhân chứng tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ tại tòa án. Trong thời gian tôi làm việc, có hai lần mở tòa án tại Stockholm (Thụy Điển) và Copenhagen (Đan Mạch).
Khi tôi đi dự Hội nghị Paris, cấp phó của tôi trong UBQT lại làm việc không đắc lực, còn đồng chí Chủ tịch UBĐT cũng bận công việc của tòa án, nên Chính phủ điều động tôi về để tiếp tục công việc tại UBĐT. Công việc của tôi ở Paris đã có anh Nguyễn Minh Vỹ thay thế. Tuy đã về nước làm việc tại UBQT nhưng tôi vẫn công tác ở Bộ Ngoại giao, làm Vụ trưởng Vụ miền Nam nên có điều kiện theo dõi diễn biến Hội nghị Paris. Vì vậy, khi Phái đoàn đàm phán của ta thỏa thuận được và chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris, tôi vẫn nhận được thông báo. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết. Theo tôi, ta thắng lợi trong Hội nghị Paris nhờ có bốn yếu tố quan trọng. Thứ nhất, yếu tố quyết định là chiến trường, ta dần mạnh lên. Mỹ thất bại từ chiến trường này đến chiến trường khác, từ chiến dịch này đến chiến dịch khác nên phải chấp nhận đàm phán. Thứ hai là sự chỉ đạo của Bộ Chính trị rất sát sao từng giai đoạn một; thay mặt Bộ Chính trị là đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy trực tiếp lãnh đạo Đoàn. Thứ ba, dư luận quốc tế, kiều bào đứng về phía ta, ủng hộ ta. Cuối cùng, Đoàn 37 đã đấu tranh chủ động, nhất là có sự chỉ đạo của đồng chí Xuân Thủy và đồng chí Lê Đức Thọ, cùng chiến lược và sách lược khôn ngoan, mưu trí trong từng phiên họp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.