Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1975 thống nhất đất nước của Quân đội Nhân dân Việt Nam diễn ra từ ngày 4/3 đến 3/4/1975.
Đã tròn 40 năm trôi qua kể từ Mùa Xuân lịch sử năm 1975. Ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta càng thêm tự hào về một trang sử vẻ vang của quân đội nhân dân, của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Tư liệu điểm lại những những sự kiện đáng nhớ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc kể từ khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn (4/3/1975) đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30/4/1975).
* Ngày 4/3/1975: Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn
Chiến dịch Tây Nguyên chính thức mở màn bằng việc quân ta tiến công cắt đứt đường 19 - con đường tiếp tế chủ yếu của địch cho Tây Nguyên. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên ra lệnh cho Trung đoàn 95A: Đêm ngày 3 rạng ngày 4 tiến ra cắt đường số 19, trên đoạn phía Đông thị xã Pleiku.
Từ sáng đến trưa ngày 4/3/1975, Trung đoàn 95A đã tiêu diệt một loạt vị trí địch (trong đó có căn cứ Adun), cắt đứt và làm chủ một đoạn dài 20km trên đường 19 phía đông thị xã Pleiku, thực hiện đúng ý định của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
Cùng ngày, Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiến công địch trên đường 19, đoạn từ An Khê đến Bình Khê. Sư đoàn đã tiêu diệt nhiều vị trí như: Cây Rui, Chóp Nón, Hòn Kiềng, Cột Cờ, Truông ối, Che Chẻ, Đồi Đá, chốt Lăng Mai Xuân Thưởng, Điểm cao 309, 334…, tiêu diệt hơn 300 tên của trung đoàn 47 ngụy.
Như vậy, trong ngày mở đầu của Chiến dịch, đường 19 - con đường tiếp tế chủ yếu của địch cho Tây Nguyên đã bị cắt hoàn toàn.
* Ngày 5/3/1975: Quân ta cắt đứt đường 21 (đoạn Chư Cúc) - con đường quan trọng thứ hai nối đồng bằng với Tây Nguyên
Đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 phục kích trên đường 21, tiêu diệt 8 xe trong đoàn xe 15 chiếc của Trung đoàn 45 ngụy từ Pleiku về Buôn Ma Thuột. 7 xe còn lại quay đầu chạy về Pleiku, trong đó có tên đại tá Vũ Thế Quang, sư đoàn phó Sư đoàn 24 của địch.
Ta đã làm chủ đoạn đường ở phía đông Chư Cúc. Tập đoàn địch phòng ngự ở Tây Nguyên bị cắt rời khỏi đồng bằng Khu 5. Trên đường 14, Sư đoàn 320 của ta đưa Trung đoàn 9 ra phục kích ở đoạn nam cầu Ea Hleo.
Đây là lần đầu tiên trong một chiến dịch, quân đội ta sử dụng tới 2 sư đoàn, 2 trung đoàn bộ binh làm nhiệm vụ đánh cắt giao thông. Sau 2 ngày 4 và 5/3/1975, ta đã cắt đứt 3 đường bộ chủ yếu (đường số 14, 19 và 21) và nghi binh căng kéo địch có hiệu quả; chia cắt Tây Nguyên với đồng bằng Trung Bộ, Nam và Bắc Tây Nguyên; bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị, nổ súng đúng kế hoạch.
* Ngày 6/3/1975: Chuẩn bị chiếm điểm cao Chư Xê
Ngày 6/3/1975: Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên nhận định: “Đường số 14, đường số 21 tuy đã xuất hiện một số bộ phận của ta, nhưng chưa có gì buộc địch phải xử trí lớn. Tuy địch có phát hiện được một số chi tiết, nhưng chúng chưa chú ý nhiều. Trong mấy ngày tới, có thể địch chưa có phản ứng gì lớn”. Do vậy, cần “kiên trì, khôn khéo giữ bí mật đến cùng cho trận đánh ở thị xã theo phương án đã định”.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị ta ở bắc Buôn Ma Thuột sớm hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và cô lập địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã lệnh cho Sư đoàn 320 sử dụng một bộ phận lực lượng đánh chiếm điểm cao Chư Xê án ngữ trên đường 14, cách Cấm Ga 15km về phía nam, nhằm kéo Trung đoàn 53 (thiếu) của địch ra đối phó, tạo điều kiện cho các đơn vị đảm nhiệm tiến công trên hướng bắc thị xã sớm hoàn thành công tác chuẩn bị.
Trong khi đó, với Tây Nguyên, Bộ Tổng tham mưu ngụy và CIA vẫn khẳng định: Hướng đối phó chính vẫn là Pleiku và Kon Tum. Chúng cho rằng hành động cắt đường số 14, 19 và 21 chỉ là hoạt động phối hợp của ta.
* Ngày 7/3/1975: Quân ta tiến công và làm chủ điểm cao Chư Xê
6 giờ 15 phút ngày 7/3/1975, tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 nổ súng tiến công Chư Xê. Sau 40 phút chiến đấu, ta đã làm chủ toàn bộ điểm cao, diệt 1 trung đội bảo an của địch. Đến đây, đường 14 bị gián đoạn, Buôn Ma Thuột bị chia cắt với Bắc Tây Nguyên.
Lúc này, địch mới phán đoán là ta chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột và cử Vũ Thế Quang làm “tư lệnh lãnh thổ Nam cao nguyên Trung phần”. Vũ Thế Quang lập tức ra lệnh báo động khẩn cấp ở Đức Lập và Buôn Ma Thuột, đồng thời, rút Trung đoàn 53 về thị xã.
* Ngày 8/3/1975: Ta đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, cắt đường 14
Đúng 6 giờ sáng ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 nổ súng tiến công quận lỵ Thuần Mẫn. Thuần Mẫn là quận lỵ nằm trên ngã ba đường 14 và tỉnh lộ số 7B đi Cheo Reo, cách Buôn Ma Thuột khoảng 80 km và cách Pleiku khoảng 120km.
7 giờ 20 phút, quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm, diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội cảnh sát và toàn bộ cơ quan chỉ huy chi khu; thu 200 súng các loại và 18 xe cơ giới. Đoạn đường số 14 từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột bị cắt hẳn.
Địch chỉ còn có thể tăng cường cho Buôn Ma Thuột bằng đường không. Chiều cùng ngày, địch tăng cấp báo động trong thị xã Buôn Ma Thuột và quận lỵ Đức Lập, đồng thời, thúc ép Trung đoàn 53 cơ động gấp về thị xã và dùng không quân chở liên đoàn biệt động quân số 21 (thiếu) từ Kon Tum đổ xuống sân bay Hoà Bình và Buôn Hồ để bảo vệ thị xã.
Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, trên mặt trận Trị-Thiên, 7 tiểu đoàn bộ đội địa phương cùng 100 đội vũ trang công tác của ta đã thọc sâu xuống cùng lực lượng vũ trang tại chỗ của 8 huyện đồng loạt tiến công, tiêu diệt địch và giải phóng quận lỵ Mai Lĩnh. Ở Khu 5, Sư đoàn 3 tiếp tục tiến công địch giải phóng Tiên Phước và Phước Lâm.
Cuối ngày 8/3/1975, sau khi kiểm tra lại tình hình, thấy Sư đoàn 10 đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị; các đơn vị khác cũng đã sẵn sàng tiến công vào thị xã, Bộ Tư lệnh Chiến dịch hạ quyết tâm: “Tiến công Đức Lập”.
(còn tiếp)
| Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo chiếm các đỉnh cao ở Pleiku. (Ảnh/TTXVN)
|
|
|
Nhân dân và du kích xã Quế Lộc (Quảng Nam) rào làng chiến đấu. (Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN)
|
|
Gia đình một nông dân ở Ân Phong, Hoài Ân, Bình Định ủng hộ lúa cho cách mạng, góp phần nuôi quân chiến đấu. (Ảnh: Thành Vinh/TTXVN)
|
|
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
|
|
Sở chỉ huy Mặt trận Giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975. (Nguồn: TTXVN)
|
|
Pháo binh và xe tăng quân Giải phóng trên đường hành quân vào giải phóng Quy Nhơn. (Nguồn: TTXVN)
|
|
Làm đường giao liên ở chiến khu Trung Trung bộ. (Nguồn: TTXVN) |