(HNMO) - Sáng 24-4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính (1918-2018).
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính… cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, người hâm mộ đã đến dự.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu đánh giá cao những đóng góp to lớn của nhà thơ Nguyễn Bính đối với nền văn học Việt Nam hiện đại.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta kỷ niệm một người không được số phận cưng chiều từ nhỏ nhưng lại được thiên bẩm phát lộ rất sớm. Người ấy, ngay từ khi mới 13 tuổi đã làm cho người ta kinh ngạc về những vần thơ đối đáp thông minh mang đậm trí tuệ dân gian và tâm hồn của vùng quê Bắc Bộ… Thơ của ông được chào đón ở mọi miền đất nước, mọi tầng lớp, mọi thời đoạn và hoàn cảnh của lịch sử…".
Nhà thơ Nguyễn Bính là người rất hăng hái tham gia vào phong trào thơ mới, nhưng lại là người đi tiên phong trở về với cội nguồn dân tộc… Trong xu hướng trở về dân tộc, Nguyễn Bính là nhà thơ gần nhất với phương châm: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng của Bản Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng. Điều đó cắt nghĩa vì sao Nguyễn Bính sớm tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở miền Nam trong Cách mạng Tháng Tám và sau này trở thành một trong những cán bộ cốt cán của văn nghệ kháng chiến Nam Bộ.
Nguyễn Bính là một nhà thơ bậc thầy về vận dụng sáng tạo làm giàu và nâng cao ngôn ngữ dân tộc lên một tầm cao mới. Nếu nói yêu tiếng Việt là yêu nước, thì Nguyễn Bính là nhà thơ yêu nước thủy chung đến phút chót của đời mình khiến ông trở thành một trong những nhà thơ độc đáo nhất và có công lớn trong thơ mới...
"Với những cống hiến cho thơ ca dân tộc, cho cách mạng và kháng chiến, Nguyễn Bính là một tên tuổi sáng giá của văn học Việt Nam hiện đại, xứng đáng với giải thưởng cao quý mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân và Tổ quốc đã trao tặng ông”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Tại lễ kỷ niệm, 11 tham luận của các nhà văn, nhà thơ đều nhận định, ảnh hưởng của Nguyễn Bính cho nền văn học nước nhà, tạo cảm hứng bất diệt cho các nhà thơ thế hệ sau này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.