(HNM) - Là người có những cống hiến thầm lặng gần như cả cuộc đời cho văn hóa Thủ đô, ông Nguyễn Bá Đạm (sinh năm 1922) được các nhà nghiên cứu nghệ thuật trân trọng tôn vinh là nhân chứng sống của đất văn vật kinh kỳ mang “tâm hồn Hà Nội” bên cạnh biệt danh khác là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Dẫu đã bước sang tuổi bách niên, song ông vẫn mẫn tiệp viết sách, viết báo ghi chép lại những sự việc, chứng tích xưa của đất Hà thành nay không còn tồn tại được bạn đọc yêu thích, đón nhận.
Những cống hiến thầm lặng
Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Bá Đạm khuất trong con ngõ nhỏ ở làng Mọc (nay là phố Giáp Nhất, quận Thanh Xuân), giữa khu vườn rợp bóng cây xanh, ngào ngạt hương hoa cau, hoa bưởi. Người trong làng đều biết đến ông Nguyễn Bá Đạm và những đóng góp thầm lặng của ông.
Thời chiến tranh, thầy giáo Nguyễn Bá Đạm là người tiên phong vận động người dân xây dựng lại làng Mọc. Bắt đầu từ đường sá, nhà cửa, đến việc dựng lại đình, chùa, phục dựng các lễ hội, các nghi thức văn hóa truyền thống của làng... Ông cũng từng hiến hàng trăm mét vuông đất của gia đình để xây dựng lớp học ở Trường Tiểu học Nhân Chính.
Vốn là giáo viên dạy lịch sử nên thời gian đó, ông đã truyền tình yêu văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội cho các em học sinh qua việc liên tục mở các lớp dạy học ngoại khóa về lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Khi làm công việc này, ông ấp ủ một mong ước giản dị: “Dù học tập, làm việc, hay ứng xử hằng ngày, các cháu cũng là những người rất văn hóa và sau này trở thành nguồn lực văn hóa cho Thủ đô”.
Sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nên “chất” Tràng An ngấm sâu vào từng nếp nghĩ, việc làm của ông. Lúc nào ông cũng giữ lối sống giản dị, thanh lịch. Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn giữ cho mình những nguyên tắc mẫu mực. Đều đặn 5h sáng hằng ngày, ông thức dậy, tập thể dục, đọc báo rồi viết. Trước đây, mỗi tháng nhiều thì ông viết 8-10 bài, giờ thì 4-5 bài. Chất liệu của các bài viết là ngồn ngộn những câu chuyện, những sự việc mà ông đã trải nghiệm trong cuộc sống.
Ông kể: “Ngẫm lại quãng đời đã qua, tôi có cơ hội được làm bạn tri kỷ với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như các họa sĩ: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh... Những người bạn tâm giao một thời ấy đều đã rời xa cõi tạm”. Song những kỷ niệm về Hà Nội một thời thăng trầm đều được ông chắt lọc thành nhiều bài báo.
Vừa trò chuyện, ông vừa cho tôi xem cuốn sổ ghi lại hơn 120 bài báo ông viết về Hà Nội, hay thú chơi đồ cổ. Những câu chuyện về Hà Nội còn được ông ghi chép, viết thành các cuốn sách: “Thuở ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX-XX”.
Sách của ông được bạn đọc và giới khảo cứu về Hà Nội trân trọng, yêu thích vì lối viết giản dị, ngắn gọn, nhưng lại có rất nhiều chuyện về Hà thành ít người được biết. Trong đó có những câu chuyện về những người từng một thời là nhân vật nổi tiếng của Hà Nội như: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Bạch Thái Bưởi, Cô Tư Hồng... Rồi một loạt thứ “nhà” của Hà Nội một thời như: Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn, nhà Hỏa Lò, nhà Đấu Xảo, nhà Bác Cổ... Có thể nói, bên cạnh những bộ sách “Phố phường Hà Nội xưa” của Hoàng Đạo Thúy, “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài, thì “Thuở ấy Hà Nội” của ông được giới nghiên cứu đánh giá cao về những đóng góp quan trọng cho công trình nghiên cứu về Hà Nội.
Trong tháng 5-2019, cuốn “Hà Nội ngày ấy” của ông tiếp tục ra mắt bạn đọc. Ông còn dự định sẽ in tiếp một cuốn sách kể về các danh họa Hà Nội, trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại trong hội họa Việt Nam: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái... Kể về ông Nguyễn Bá Đạm, Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật Hoàng Anh chia sẻ: “Ông Nguyễn Bá Đạm là “của hiếm” của nghệ thuật Việt Nam và là cộng tác viên nhiều tuổi nhất trong lịch sử Tạp chí Mỹ thuật”.
Kỳ nhân tiền cổ
Ngoài dạy học, nghiên cứu, viết sách, viết báo, ông Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, nhất là tiền cổ. Ông được giới sưu tầm đồ cổ tôn vinh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Trong những bộ tiền ông Đạm từng sở hữu thì bộ tiền nhà Đinh là cổ nhất, từ năm 980; mặt trước đồng tiền có bốn chữ “Thái Bình Hưng Bảo” và mặt sau có chữ “Đinh”.
Về thú chơi tiền cổ, ông kể, hồi 8 tuổi được người anh đưa đi Bảo tàng Lịch sử chơi. Những đồng tiền cổ trưng bày trong tủ kính tại đây làm cậu bé Đạm mê mẩn. Từ đó, ông bắt đầu tìm tòi về tiền cổ và niềm đam mê sưu tầm cứ ngày một lớn dần lên. Để có những đồng tiền cổ quý giá, ông Đạm nghĩ ra cách viết thư gửi đến tòa báo nước ngoài, đăng thông tin nên đã giao lưu được với nhiều người chơi tiền cổ. Chả mấy lâu sau, bộ sưu tập đã đầy ắp những đồng tiền xu, tiền giấy của nước ngoài. Có thời kỳ, ông còn bán hết những đồ quý giá trong nhà để đổi lấy những bộ sưu tập tiền cổ yêu thích. Thế nên qua thời gian ông đã có đến 400 đồng tiền cổ với nhiều mệnh giá, kích cỡ và ở nhiều thời kỳ khác nhau.
Khoảng 16, 17 năm trước, do con cháu trong nhà không có ai đam mê tiền cổ nên ông quyết định gửi trao bộ sưu tập tiền cổ cho doanh nhân Nguyễn Đình Sử - người coi ông Đạm như cha. “Dù biết cậu Sử mê tiền cổ, lại là chỗ thân tình có thể chia sẻ nhiều điều nhưng khi giao bộ sưu tập cho cậu ấy tôi vẫn thấy tiếc và hốt hoảng như bị cháy nhà. Vài năm sau, cậu Sử mất, tôi nghe tin mà như gãy đi một cánh tay. Và giờ thì vẫn còn đau đáu không biết bộ sưu tập của tôi trao cho cậu Sử ngày nào số phận giờ ra sao” - ông kể.
Trầm ngâm về những đồng tiền cổ, ông Đạm chia sẻ: “Sưu tầm tiền cổ để hiểu thêm về những thăng trầm của lịch sử, về nghệ thuật của người xưa. Ý nghĩa của đồng tiền rất quan trọng. Đồng tiền không chỉ có giá trị mua bán, trao đổi trên thương trường, mà còn phản ánh lịch sử, công nghệ, quyền lực, dấu ấn của một thời đại, một vương triều. Vì vậy, người sưu tầm phải có kiến thức rộng, am hiểu nguồn gốc lịch sử, cộng với lòng đam mê sâu sắc. Biết cảm nhận, so sánh và phân loại thực hư, nhìn nhận một cách tinh tế, nhận ra giá trị của nó thì mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của đồng tiền cổ”.
Không chỉ được mọi người biết đến là về sưu tầm tiền cổ, ông Đạm còn nổi danh vì sở hữu rất nhiều đồ gỗ cổ quý giá. Hiện, riêng bộ sưu tập đồ gỗ cổ của ông có chừng 7 hiện vật quý giá, quý nhất trong đó phải kể tới bộ hương án thờ của Nghiêm Xuân Quảng, người từng giữ chức quan Tuần phủ Lạng Sơn vào khoảng cuối thế kỷ XIX.
Với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội, cuối năm 2018, ông được tặng “Giải thưởng lớn” giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 11 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.