Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ nguyên số - Thách thức không chỉ riêng báo điện tử?

Nữ Quỳnh| 20/06/2015 07:02

(HNM) - Hai năm trước, thông tin tờ tạp chí nổi tiếng thế giới Newsweek của Mỹ buộc phải ngừng phát hành ấn bản in để tập trung cho phiên bản điện tử đã khiến cho báo giới xôn xao. Nhiều người đặt dấu hỏi về tương lai của báo in rồi sẽ ra sao hay phải chăng kỷ nguyên số sẽ chỉ là sân chơi độc quyền của báo điện tử?

Giao diện Báo Hànộimới điện tử



Không thể phủ nhận rằng kỷ nguyên số đã và đang giúp cho nền báo chí toàn thế giới phát triển nhanh hơn về mọi mặt. Công nghệ số làm cho báo chí có bước nhảy vọt về thời gian thông tin, không gian bao phủ, cách thức tiếp cận thông tin, tăng về số lượng bạn đọc, cũng như số lượng và chất lượng thông tin... Mới chỉ qua chừng hơn một thập niên công nghệ thông tin bùng nổ chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một thực tế là trong kỷ nguyên số, báo chí đang phải cạnh tranh khốc liệt hơn, làm nảy sinh những thách thức chưa từng có, trở thành vấn đề ngày càng cấp bách của nền báo chí nói chung, trong đó có báo chí Việt Nam.

Riêng với báo điện tử ngày nay, thông tin thời sự được cập nhật theo từng giây chứ không còn tính theo giờ. Công nghệ liên tục phát triển ngày càng tạo thêm thế mạnh cho báo mạng, còn báo in luôn chịu thiệt về tính cạnh tranh trong thông tin. Song song đó, mạng xã hội bùng nổ là một lợi thế cho "báo chí công dân" phát triển. Một sự kiện xảy ra, khi nhà báo chưa có mặt thì chính độc giả đã trở thành nguồn tin, là những phóng viên truyền tải thông tin rất nhanh đến bạn đọc khác, thông qua tòa soạn báo. Thế nhưng, cũng vì tính chất nhanh nhạy, tức thời vượt trội, lan truyền rộng mà sự chắt lọc thông tin để lại nhiều lỗ hổng, dễ vướng phải những sai sót, thiếu chính xác vì chưa được thẩm định.

Theo số liệu do Công ty We Are Social (đặt trụ sở ở Anh) công bố mới đây, Việt Nam hiện có khoảng 39,8 triệu người sử dụng internet, trong đó 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội. Trung bình người Việt Nam tiêu tốn 180 phút mỗi ngày trên mạng xã hội để trao đổi, tiếp cận tin tức. Trong khi đó, hiện tại mạng xã hội Facebook đang có tới 1,16 tỷ người dùng, còn mạng Youtube cũng đạt con số 1 tỷ người dùng tích cực hằng tháng. Riêng ở Việt Nam hiện có 420 mạng xã hội đăng ký hoạt động. Một số mạng chiếm ưu thế như Facebook (20 triệu người dùng), ZingMe (15,8 triệu) hay các trang mạng chuyên biệt như Webtretho, Otofun tuy không phải là những trang báo điện tử, nhưng cũng đang "làm mưa làm gió" trên mạng internet trong nước, thậm chí tin tức từ các trang này được nhiều tờ báo chính thức dẫn lại.

Dĩ nhiên, thách thức trong truyền thông kỷ nguyên số không chỉ đến với riêng báo điện tử mà ngay cả báo in cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Như đã nói ở trên, báo điện tử chắc chắn đã giành lợi thế hơn hẳn so với báo in. Do đó đòi hỏi báo in phải có sự thay đổi nhằm thích nghi với thực tế. Hiện nay, hầu hết các tờ báo in ở Việt Nam đều đã có trang thông tin điện tử, mà nhiều người ví nó như là "cánh tay nối dài" của ấn phẩm giấy. Một trong những hướng được nhiều tờ báo (trong đó có Hànộimới) lựa chọn chính là tổ chức mô hình tòa soạn tích hợp, bao gồm cả báo in và báo điện tử, nhằm tạo sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai loại hình này. Báo in tận dụng triệt để lợi thế thông tin đa dạng và tính tương tác bạn đọc cao của báo điện tử. Ngược lại, báo điện tử có thể tận dụng được nguồn thông tin từ các phóng viên báo in.

Việc đẩy mạnh phát triển phiên bản điện tử được coi là biện pháp thay thế hiệu quả cho các bản in truyền thống, làm cho tờ báo có thể vươn xa hơn, thêm nhiều độc giả hơn. Song, thách thức về nội dung cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Do thông tin báo điện tử luôn đi trước, nên khi nó đến với báo in rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội thống trị như hiện nay. Do dễ dàng thoát khỏi sự ràng buộc pháp lý, nên thông tin trên mạng internet thường chỉ dừng ở phản ánh sự việc theo cách nghĩ chủ quan, thiếu kiểm chứng và thiếu chính xác. Nếu mỗi phóng viên, tờ báo không có sự nghiêm túc, trách nhiệm không cao thì giữa "biển thông tin đa chiều" họ rất dễ bị lạc hướng. Thực tế là thời gian qua đã có nhiều lần báo chí trong nước dậy sóng bởi những câu chuyện sai sự thật xuất phát từ mạng internet.

Gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong thời đại thông tin dường như được nhắc đến nhiều hơn. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan của báo chí trong thời đại số hóa. Mạng internet đang tạo nên những xa lộ thông tin kết nối toàn cầu, cho phép bạn đọc tiếp cận và tương tác nhanh nhất với bất cứ sự kiện nào, xảy ra ở bất cứ đâu trên toàn thế giới. Có thể nói, kỷ nguyên số đang tạo những thuận lợi ở mức cao nhất cho người đưa tin nhưng cũng đang đòi hỏi cao nhất trách nhiệm và cả đạo đức của những người làm báo, bất kể đó là báo in hay báo điện tử.

Rõ ràng rằng, sự lớn mạnh của hệ thống báo điện tử cũng như sự phát triển của xã hội thông tin và những bước nhảy vọt của công nghệ truyền thông đang tạo ra cuộc cách mạng truyền thông, mà thách thức và lợi thế không chỉ dành riêng cho một loại hình báo chí nào!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ nguyên số - Thách thức không chỉ riêng báo điện tử?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.