(HNMO) – Việc ký kết Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới đã đặt một dấu mốc quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, được báo chí Mỹ ví như một “nước cờ” của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trước sự trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực và thế giới.
Việc ký kết Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới đã đặt một dấu mốc quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ, được báo chí Mỹ ví như một “nước cờ” của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trước sự trỗi dậy và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế khu vực và thế giới.
TPP được dự đoán sẽ chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu, có tổng dân số gần 800 triệu người và tổng GDP lên đến hơn 20 nghìn tỷ USD. Việc ký kết TPP sẽ tạo ra một khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mới với mục tiêu giảm hàng loạt những rào cản thương mại, đồng thời thiết lập những tiêu chuẩn và quy định mới về đầu tư, môi trường kinh doanh và lao động trong khu vực này. Đây cũng sẽ là cú hích cho sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vốn đang rất sôi động.
Các Bộ trưởng đại diện cho 12 quốc gia thành viên TPP. |
Phát biểu sau khi Hiệp định TPP được ký kết, Tổng thống Obama khẳng định: “Việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác và đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là điều thiết yếu trong thế kỷ 21. Tương lai của Mỹ và châu Á gắn kết chặt chẽ với nhau”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia vòng đàm phán TPP trong khuôn khổ hội nghị APEC ngày 12/11/2011. |
Việc đạt được thỏa thuận thương mại thế kỷ, vốn được xem là “xương sống” trong chính sách hướng Đông của Mỹ là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Mỹ trong việc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc cũng có nhiều bước đi nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng đối với kinh tế, thương mại khu vực.
TPP đã trở thành trụ cột về kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ khi Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và các nước ASEAN. Nếu như Trung Quốc chọn đứng ngoài TPP thì Mỹ cho tới nay không tham gia RCEP.
Các quốc gia tham gia RCEP và TPP. Ảnh: Slideshare.net. |
Quyết tâm nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với kinh tế, thương mại toàn cầu được thể hiện rõ trong bài phát biểu của ông Obama: "Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng sống bên ngoài biên giới nước Mỹ, chúng ta không thể để cho các quốc gia như Trung Quốc viết nên các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần viết nên những quy tắc đó, mở cửa thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn cao cho người lao động song song với việc bảo vệ môi trường”.
Hiệp định TPP được ký kết cũng là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, vào thời điểm chỉ còn 16 tháng nữa là ông kết thúc nhiệm kỳ của mình và chỉ một thời gian ngắn sau khi Mỹ đạt được những thỏa thuận quan trọng với Iran và Cuba.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.