Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV là cơ hội để đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội

Tiến Thành| 24/04/2020 17:06

(HNMO) - Chiều 24-4, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV sẽ chia làm 2 đợt.

Đợt 1 họp trực tuyến, diễn ra trong 8,5 ngày (từ ngày 20-5 đến ngày 30-5), với các nội dung: Khai mạc kỳ họp; đại diện Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội (nếu có); nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.

Đợt 2 họp tập trung, diễn ra trong 9 ngày (từ ngày 10-6 đến ngày 19-6), với các nội dung: Xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết, thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, thông qua nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Dự kiến, tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 17,5 ngày.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến về chương trình dự kiến của kỳ họp thứ chín. Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, đây là cơ hội để đổi mới phương thức hoạt động, tiết kiệm chi phí của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Về nội dung kỳ họp thứ chín, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào đợt 1 của kỳ họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, năm 2020 sẽ có nhiều biến động, khó khăn về kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách, do đó cần triển khai sớm nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, việc thảo luận sớm nội dung này sẽ giúp các đại biểu có được những nhìn nhận khái quát, từ đó đưa ra các giải pháp giúp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV là một kỳ họp đặc biệt, là cơ hội để đổi mới, thể hiện sự đoàn kết dân tộc và hiệu triệu cả đất nước bắt tay vào phục hồi kinh tế, phát triển đất nước sau chống dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc kỳ họp được chia làm 2 đợt với thời gian như dự kiến, ưu tiên nội dung nào đủ điều kiện thì tiến hành biểu quyết ngay trong đợt 1. Đồng thời, kỳ họp cũng có thay đổi về phương thức chất vấn và thảo luận tại tổ, đoàn đại biểu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc bổ sung, rút một số nội dung trong kỳ họp sắp tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Văn phòng Quốc hội tiếp tục bảo đảm, củng cố hạ tầng kỹ thuật họp trực tuyến, hạn chế tối đa người ra vào tòa nhà Quốc hội trong thời gian họp tập trung. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng cần nghiên cứu bố trí trung tâm báo chí phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin tuyên truyền cho kỳ họp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV là cơ hội để đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.