Chiều 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 23-10-2017, bế mạc ngày 22-11-2017.
Như vậy, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 10,75 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Có 3 dự án luật được rút ra khỏi dự kiến chương trình kỳ họp là: Luật Hành chính công và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường để tiếp tục hoàn thiện.
Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; Xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 (trong đó có kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm, 2018-2020); Xem xét, thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Ngoài ra, các đại biểu sẽ được gửi bổ sung tài liệu để tự nghiên cứu về: Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; Các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt, giải pháp khắc phục.
Riêng về Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp.
Về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong số 6 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua, có 4 dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên thứ 13; còn 2 dự án được cho ý kiến tại phiên họp này (Phiên họp thứ 14)...
Các báo cáo về giám sát chuyên đề, công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo,... cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri, dự án công trình quan trọng quốc gia sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 15.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.