Kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố có nhiệm vụ thảo luận và quyết định những nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của Thủ đô và đời sống dân sinh.
Một là: Xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng cuối năm 2013; tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013, giải pháp điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 của thành phố.
- Xem xét, quyết nghị các nội dung theo Chương trình xây dựng Nghị quyết năm 2013 của HĐND thành phố về:
+ Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội.
+ Thông qua một số phí và lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND thành phố.
+ Quy định giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội.
+ Xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 12/2008/NQ-HĐND ngày 9-12-2008 của HĐND thành phố về hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ, Ban Thanh tra nhân dân và các tổ chức, đoàn thể tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 13/2008/NQ-HĐND ngày 9-12-2008 của HĐND thành phố về việc quy định mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
+ Xem xét tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2013 của HĐND thành phố; công tác điều hành của UBND thành phố; các cơ quan tư pháp báo cáo về công tác xét xử, kiểm sát 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013; MTTQ thành phố thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền; tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố.
Hai là: Thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, theo đó chúng ta sẽ xem xét và quyết nghị 11 vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội. Đó là:
1. Điều kiện, thủ tục tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.
2. Chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
3. Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao.
4. Cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
5. Chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.
6. Biện pháp bảo đảm việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư quan trọng.
7. Biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.
8. Quy định cụ thể tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại.
9. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô, xe cơ giới; đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.
10. Chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ ở ngoại thành.
11. Quy định diện tích bình quân nhà ở.
Luật Thủ đô là một đạo luật quan trọng tạo hành lang pháp lý để Hà Nội phát triển đúng với tầm vóc, vị thế là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Do đó, chúng ta với trách nhiệm đại biểu HĐND thành phố, cần nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách trước khi thông qua, bảo đảm tính khả thi để việc thi hành Luật được thuận lợi và đi vào cuộc sống.
Ba là: Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Tại kỳ họp này, HĐND thành phố tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 đồng chí giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là lần đầu tiên HĐND các cấp thành phố Hà Nội thực hiện quyền giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh chủ chốt do HĐND bầu ra. Trên cơ sở những hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, HĐND sẽ dành thời gian thỏa đáng để các vị đại biểu thảo luận, đánh giá một cách trách nhiệm, thận trọng, khách quan, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được HĐND lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là thước đo đối với người được HĐND bầu mà còn là thước đo tinh thần xây dựng, sự nghiêm túc và trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND thành phố. Tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, loại trừ các tác động chủ quan, cảm tính, định kiến cá nhân đối với các vị được HĐND lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả của sự tín nhiệm sẽ là sự ghi nhận, động viên, khích lệ kịp thời; đồng thời là sự nhắc nhở, lưu ý đối với từng đồng chí, để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ kiện toàn nhân sự đối với các Ban của HĐND thành phố theo hướng tăng cường đại biểu chuyên trách, nhằm giúp các Ban HĐND thành phố thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình.
Kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, với khối lượng công việc rất lớn, thời gian họp dài. Thay mặt HĐND thành phố, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố khóa XIV.
(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.