Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ 2: Quyền... hành, vụ lợi !

Bài, ảnh: Linh Nguyên| 27/01/2010 07:32

(HNM) - Không chỉ hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở cho các hộ, một số cán bộ, lãnh đạo thị xã Sơn Tây và xã Cổ Đông còn


> Kỳ 1: Phù phép của chung thành của riêng

Cùng một mảnh đất, cấp ba sổ đỏ

Ngôi nhà khang trang của ông Lê Văn Cử được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Vào những năm 2005-2006, ông Nguyễn Đắc Lộc và bà Nguyễn Thị Thu Phương đã mua gom được 7.273m2 đất nông nghiệp của một số hộ gia đình ở thôn La Gián, Trại Hồ thuộc HTX NN La Thành. Mặc dù không phải là nông dân và cũng không có hộ khẩu tại xã Cổ Đông, nhưng không hiểu bằng cách nào mà chỉ trong cùng một ngày 1-9-2006, ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây đã ký cấp cho gia đình ông Lộc 3 GCNQSDĐ khác nhau, mỗi sổ có 300m2 đất ở lâu dài, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Việc cố tình tách một mảnh đất liền khoảnh thành nhiều thửa của gia đình ông Lộc là nhằm mục đích được cấp 300m2 đất cho mỗi một thửa. Với "chiêu bài" đó, ông Lộc, bà Phương đã được công nhận QSD tới 900m2 đất ở, chứ không phải là 300m2. Có được sổ đỏ, gia đình ông Lộc tiếp tục đổ đất, san nền toàn bộ diện tích 7.273m2 đất. Không biết gia đình ông Lộc định trồng cây gì, khi toàn bộ đất san nền bằng đất sỏi ong, pha đá và được lu lèn kỹ như mặt sân bóng? Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, trên sổ sách hiện đang lưu giữ tại xã Cổ Đông thì khu đất này không có số thửa. Số thửa thể hiện trên GCNQSDĐ do UBND thị xã Sơn Tây cấp cho gia đình ông Lộc được lấy từ số thửa của khu đất mương liền kề.

Trường hợp của ông Ngô Văn Đệ cũng tương tự như vậy. Gia đình ông Đệ mua gom của các hộ ở thôn Đồng Trạng được 8.670,8m2 đất, thuộc thửa số 22, tờ bản đồ số 04, bản đồ năm 2003 của xã Cổ Đông. Nhờ sự giúp đỡ "tận tình" của một số cán bộ có thẩm quyền ở thị xã Sơn Tây, xã Cổ Đông, năm 2006, đất của gia đình ông Đệ đã được tách thành 3 thửa và được cấp GCNQSDĐ mang tên các ông: Nguyễn Văn Bằng, Bạch Văn Lợi, Vũ Quang Tần. Tất cả các chủ đất đều không sinh sống tại Cổ Đông, họ thuê người quản lý, trông nom khu đất và ngay cả người được thuê cũng không biết ông chủ làm gì, ở đâu? Hiện tại, trên các mảnh đất đã được cấp sổ đỏ đó vẫn là những vườn keo, vườn sắn bạt ngàn.

Còn người dân... vẫn mòn mỏi chờ đợi

Gia đình ông Trần Trọng Cân ở xã Cổ Đông từ năm 1950, nhưng tháng 12-2009 mới được cấp sổ đỏ.


Thật trớ trêu, trong khi nhiều người từ nơi khác đến Cổ Đông mua gom đất lúa, đất màu của dân, sau đó được cấp sổ đỏ một cách dễ dàng, thì hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở đây lại gặp muôn vàn khó khăn khi xin cấp GCNQSDĐ.

Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, ông Trần Trọng Cân, ở thôn Đồng Trạng rất bức xúc: "Gia đình tôi có 7.347,9m2 đất ở, đất vườn và sinh sống ổn định trên đất đó 3 thế hệ rồi, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất từ năm 1955. Vào năm 2003, 2004, tôi chuyển nhượng 5.000m2 đất cho ông Nguyễn Khắc Lãm và ông Nguyễn Danh Hải, đều không có hộ khẩu tại xã Cổ Đông. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau (đầu năm 2005), cả ông Lãm, ông Hải đã được UBND thị xã Sơn Tây cấp GCNQSDĐ, còn mảnh đất của gia đình tôi, sau nhiều vất vả, mãi đến tháng 12-2009 mới nhận được.

Đối với trường hợp gia đình anh Trần Văn Tập thì còn bi đát hơn. Anh Tập rụt rè kể lại: "Từ năm 2003 đến nay, gia đình tôi đã 3 lần làm đơn xin cấp sổ đỏ, nhưng lúc thì cán bộ địa chính xã bảo thiếu giấy tờ, khi thì bảo đất bị hụt so với bản đồ... không biết làm thế nào và cũng chẳng được ai hướng dẫn, thế là đành chịu". Không có sổ đỏ, muốn vay vốn ngân hàng không được, gia đình anh Tập chẳng có tiền cải tạo vườn, quanh đi quẩn lại chỉ biết trông vào mấy cây sắn, cuộc sống rất khó khăn...

Tính đến tháng 11-2009, cả 15 xã, phường của thị xã Sơn Tây có 2.727 hộ chưa được cấp GCNQSDĐ thì riêng xã Cổ Đông còn tới 769 hộ, chiếm hơn 35%. Về vấn đề này, ông Phùng Tuấn Dũng, Trưởng phòng TN-MT thị xã Sơn Tây lý giải khá vòng vo: Việc cấp GCNQSDĐ được thực hiện theo đúng quy trình, từ cơ sở chuyển lên; hơn nữa, chính sách về đất đai nhiều, thực tế sử dụng đất lại thường xuyên thay đổi và người dân không nắm được cách thức, thủ tục đăng ký chứng nhận QSDĐ...(!?). Ông Phùng Tuấn Dũng cũng thừa nhận: "Việc cấp GCNQSDĐ không thể đúng 100% được, chắc chắn có sai sót". Đề cập đến tính pháp lý, căn cứ để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho các hộ nêu trên, ông Hà Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông lúng túng, không trả lời được.

Có thể thấy rằng, những sai phạm, khuất tất trong việc cấp GCNQSDĐ tại xã Cổ Đông là khá rõ ràng, diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chưa bị xử lý, khiến nhân dân bức xúc. Dư luận rất mong UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố vào cuộc, giải quyết triệt để các sai phạm ở đây, sớm ổn định tình hình tại địa phương. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ 2: Quyền... hành, vụ lợi !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.