Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ 1: Phù phép của chung thành của riêng

Linh Nguyên| 26/01/2010 07:03

(HNM) - Thời gian gần đây, báo Hànộimới liên tục nhận được thông tin của người dân phản ánh về những điều chưa rõ ràng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.


Cấp "số đỏ" cho người chiếm đất công



Khu nhà nghỉ Lý Tưởng của gia đình bà Ngô Thị Lý nằm ở vị trí "đắc địa", cạnh điểm giao cắt giữa quốc lộ 21A và đường vào trung tâm xã Cổ Đông. Đây vốn là khu đất công thuộc HTX Nông nghiệp (NN) La Thành, xã Cổ Đông quản lý, sử dụng.

Ngày 8-7-1995, ông Hà Văn Thường (chồng bà Ngô Thị Lý) có mua 300m2 đất lò vôi, thuộc thôn Đồng Trạng của HTX NN La Thành bán thanh lý với giá 10 triệu đồng. Trong năm 2002, ông Thường đã ký 2 hợp đồng thuê đất lâu dài với HTX NN La Thành, có diện tích 3.306m2 là đất công, nằm liền kề với khu đất trên, mà thực chất là bán đất trái phép. Để có đủ thủ tục sử dụng đất hợp pháp, bà Ngô Thị Lý đã đề nghị UBND xã Cổ Đông và HTX NN La Thành xác nhận khu này là của gia đình bà cho HTX mượn đất thổ cư làm nơi sản xuất. Mặc dù biết rất rõ nguồn gốc của khu đất, nhưng Chủ tịch UBND xã Cổ Đông và HTX NN La Thành vẫn ký xác nhận nội dung đơn của bà Lý là đúng. Có "bảo bối" trong tay, ngày 18-5-2004, bà Lý đã có đơn xin đăng ký QSDĐ diện tích 3.939,5m2, trong đó có 300m2 đất ở và 3.639,5m2 đất vườn. Nhanh một cách khó hiểu, ngay trong ngày bà Lý nộp đơn (ngày 18-5-2004), ông Phùng Tuấn Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT); ông Trương Quốc Bình, Phó phòng TN-MT thị xã Sơn Tây, cùng với ông Hà Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông; ông Lê Quý Quyết, cán bộ địa chính xã đã ký biên bản xác định mốc giới diện tích đất 3.939,5m2. Và gần 1 tháng sau (ngày 16-6-2004), UBND xã Cổ Đông xác nhận đơn xin đăng ký QSDĐ của bà Lý, với nội dung: "Đất có mốc giới rõ ràng, ổn định; nguồn gốc đất ở và vườn sử dụng trước năm 1990, đất không có tranh chấp...". Vậy căn cứ vào đâu để Phòng TN-MT thị xã Sơn Tây và UBND xã Cổ Đông xác định mốc giới diện tích đất cho gia đình bà Lý? Ngày 23-6-2004, ông Hà Trường Sơn và ông Lê Quý Quyết đã lập tờ trình, ký biên bản xét duyệt gửi UBND thị xã Sơn Tây xét cấp GCNQSDĐ cho bà Lý.

Sau khi hoàn tất thủ tục, ngày 4-7-2004, ông Trương Quốc Bình đã trình hồ sơ lên UBND thị xã Sơn Tây để cấp GCNQSDĐ cho bà Lý. Cũng rất nhanh chóng, chỉ sau 2 ngày (6-7-2004), UBND thị xã Sơn Tây đã có Quyết định số 678 cấp GCNQSDĐ cho bà Lý, với diện tích 3.939,5m2. Trong hồ sơ, ông Trương Quốc Bình ghi rõ ý kiến và kết quả thẩm định: "Hồ sơ đầy đủ, nguồn gốc đất hợp pháp, đủ điều kiện cấp và đề nghị cấp có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho bà Lý". Ngay sau đó, các công trình kiên cố rất hoành tráng của bà Lý được "mọc lên" trong khu đất được thuê của HTX NN La Thành, để kinh doanh nhà nghỉ.

Biến đất canh tác thành đất ở


Theo quy định, để có được GCNQSDĐ, hồ sơ phải đầy đủ, qua nhiều công đoạn xét duyệt, thẩm định từ thôn, xã đến Phòng TN-MT, vậy mà chính quyền các cấp ở thị xã Sơn Tây vẫn "phù phép" đất canh tác thành đất ở một cách dễ dàng. Những trường hợp GCNQSDĐ của gia đình các ông, bà: Vũ Quang Tần, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Văn Thái, Cù Thị Khánh, Nguyễn Quốc Khương, Lê Thị Na... là một minh chứng. Tất cả các sổ đỏ này đều có nguồn gốc từ đất nông nghiệp và đều do ông Nguyễn Quang Sơn, ông Nguyễn Lam Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây ký từ năm 2004 đến năm 2007. Được biết, một trong những điều kiện bắt buộc là trên thửa đất đó phải có nhà thì mới được xem xét cấp đất ở. Song hầu hết các hộ chỉ xây một ngôi nhà cấp 4, rộng khoảng 10m2, mang tính chất đối phó, thậm chí có những hộ không có nhà, cả khu đất chỉ có một vài cây keo mọc lơ thơ (ảnh).

Không chỉ biến đất nông nghiệp thành đất ở, trong quá trình làm thủ tục cấp sổ đỏ, một số cán bộ có trách nhiệm của thị xã Sơn Tây đã bất chấp các quy định, làm sai quy trình. Điển hình là việc cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Quang Phương. GCNQSDĐ số hiệu T481799 cấp ngày 17-11-2004 của ông Phương, diện tích rộng 1.308m2 tại thôn Đồng Trạng, có trích lục bản đồ, nhưng lại không hề có số thửa, số tờ bản đồ. Thực tế, diện tích này được thể hiện ở thửa 122, tờ bản đồ 09, ngày 4-7-2003 và trong sổ mục kê vẫn ghi là đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Hồ Thị Thu Hằng còn "may mắn" hơn, khi được UBND thị xã Sơn Tây ký cấp GCNQSDĐ "nhầm" diện tích, gộp cả 883,3m2 đất công thuộc thửa 19 vào cùng với 1.707,4m2 đất thổ cư tại thửa 15 ở thôn Cổ Liễn. Đặc biệt là trường hợp GCNQSDĐ của ông Lê Đức Thọ và bà Hồ Thị Kim Chung, có hộ khẩu thường trú tại quận Hoàn Kiếm do ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã ký ngày 23-4-2008. Đây là thửa đất của gia đình ông Lê Văn Cử khai hoang làm đất sản xuất nông nghiệp, sau đó bán một phần cho ông Thọ. Nhằm hợp thức hóa, tháng 5-2007, ông Cử đã 2 lần mang tiền đến nhà ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng thôn Đồng Trạng nhờ ký xác nhận nguồn gốc là đất thổ cư và xin tách thửa. Tuy nhiên đã bị ông Trung từ chối và báo công an xã đến lập biên bản đối với hành vi đưa hối lộ, đồng thời báo cáo UBND xã Cổ Đông toàn bộ sự việc, nhưng không biết bằng cách nào mà sau gần 1 năm sổ đỏ vẫn được cấp cho ông Thọ, còn ông Cử thì ngang nhiên xây nhà kiên cố.

Người dân đặt câu hỏi: tại sao việc cấp sổ đỏ thiếu minh bạch của một số lãnh đạo thị xã Sơn Tây và xã Cổ Đông kéo dài như vậy, mà không hề bị cấp có thẩm quyền nào ngăn chặn, xử lý?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ 1: Phù phép của chung thành của riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.