(HNM) - Từ TP Pleiku có thể dễ dàng đi xe khách hoặc xe buýt về thị xã An Khê. Đoạn đường dài 88km thuộc QL19 (nối Bình Định và Gia Lai) dọc theo những cánh rừng cao su bạt ngàn cùng những rẫy cà phê đang mùa rộ hoa, đi ô tô chỉ mất có hơn 2 giờ.
Ông bảo: "Chọn" Krong là đúng rồi, mảnh đất và con người ở đó có nhiều điều cần nói. Chỉ có điều duy nhất ông lưu ý mà sau này tôi mới hiểu, đó là muốn vào Krong thì nên đi bằng xe máy, dễ luồn lách, chứ nếu đi ô tô chắc chắn sẽ đến lúc phải bỏ xe mà cuốc bộ…
Khu tái định cư phục vụ di dân để thực hiện dự án Thủy điện An Khê - Kanak trước đây là vùng chiến khu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Duy Quang |
Gập ghềnh đường về Krong
Từ TP Pleiku có thể dễ dàng đi xe khách hoặc xe buýt về thị xã An Khê. Đoạn đường dài 88km thuộc QL19 (nối Bình Định và Gia Lai) dọc theo những cánh rừng cao su bạt ngàn cùng những rẫy cà phê đang mùa rộ hoa, đi ô tô chỉ mất có hơn 2 giờ. Giao thông thật thuận tiện dù đường quanh co, nhiều đèo dốc, điển hình là đèo Mang Yang và đèo An Khê. Sau đó, thêm gần ba chục cây số là tới trung tâm hành chính huyện Kbang, đẹp và đồ sộ, hầu như tất cả đều được xây dựng mới. Nhưng đoạn cuối cùng từ huyện về xã Krong dài xấp xỉ 40km thì chỉ đi xe máy và cũng chỉ đi được vào mùa khô như thời điểm bây giờ.
Chiếc xe máy của tôi cứ chồm chồm dưới tán rừng già để vượt qua những đoạn đường mòn quanh co, khúc khuỷu cùng những ổ trâu ngập đầy nước mà chẳng rõ nông sâu do cánh xe cơ giới vào thi công dự án xây dựng Thủy điện An Khê - Kanak tạo ra. Chắc chỉ khi công trình này hoàn thiện thì mới có thể tính toán làm đường vào xã Krong. Tôi thầm nghĩ, thời bình vào căn cứ xưa còn khó khăn thế này nói chi thời chiến? Thật ra, Krong không chỉ hiểm trở, được rừng già bao bọc bốn bề, mà trước đây khu vực này chính là "nút thắt" giao thông. Từ phía Bắc, cán bộ cùng bộ đội vào Nam bổ sung lực lượng cho các đơn vị chiến đấu ở Khánh Hòa và mặt trận Tây Nguyên đều đi ngang qua nơi đây.
Ngoài ra, tuyến hành lang của tỉnh nối từ Chư Pah, qua Krong xuống Bình Định. Buổi tối hôm trước ngày về Krong, ông Ngô Thành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, người từng lăn lộn tại đây 11 năm trời (1964-1975) kể với tôi thế này: Krong rất đặc biệt so với vùng chiến khu của các tỉnh lân cận vì nó tồn tại suốt 20 năm (từ cuối năm 1955 cho tới khi Gia Lai giải phóng). Không phải địch không biết khu căn cứ đầu não của ta tại đây. B52 đã nhiều lần rải thảm, rồi tung biệt kích, lính dù cùng các phương tiện hiện đại như "cây nhiệt đới" (một loại máy thu phát thông tin) để dò la tin tức và tấn công vào Krong, nhưng chưa một lần nào thành công. Du kích địa phương đã bố trí nhiều tuyến, kiên cường chặn đánh những đợt hành quân của địch sục tìm căn cứ. Bất chấp tất cả, dưới tán rừng già, sức sống vẫn trỗi dậy. Thanh niên Krong người đi bộ đội, người làm du kích hay dân công hỏa tuyến, còn bà con thì bám trụ sản xuất, quyên góp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Nhiều gia đình đã ủng hộ cách mạng 2/3 số lương thực thu hoạch được trong một năm. Krong như một cái gai mà địch không tài nào nhổ được.
Thực chất Krong là khu vực trung tâm, còn vùng chiến khu ngày trước trải rộng trên địa bàn giờ thuộc địa giới hành chính một số xã của huyện Kbang như Kon Hà Nừng, Đak Roong, Kon Pne... Rồi mai đây một phần thuộc căn cứ xưa của các xã Lơ Ku, Đak Smar sẽ chìm sâu trong lòng hồ thủy điện. Nghe đâu mấy nghìn hộ dân phải di dời. Trên đường vào Krong thi thoảng tôi được thấy tận mắt những khu vực bố trí tái định cư cho bà con đang được gấp rút hoàn thiện. Nhìn khung cảnh hùng vĩ của đại ngàn cùng dòng sông Ba và con suối Bà Thơ hiền hòa uốn lượn giữa mùa khô, chứ không hung dữ, cuồn cuộn nước đỏ màu đất bazan như mùa mưa, đang được chỉnh dòng, ngăn đập, nghĩ cũng thấy tiếc. Hầu hết khu vực lòng hồ của dự án đều là nơi bà con dân tộc Ba Na đang sinh sống. Hỏi họ có muốn về khu tái định cư không? Họ bảo, nhà được xây đẹp lắm, có khi cả đời mơ cũng không đủ tiền để xây như vậy, nhưng sống ở đây quen rồi, chuyển đi cũng tiếc. "An cư" thì tốt rồi, song điều lo lắng nhất của bà con là diện tích gieo trồng mai đây sẽ thế nào, nguồn nước trước vẫn lấy từ con suối sát nhà cũ, giờ chuyển lên cao sẽ ra sao…
Chia tay với bà con vùng lòng hồ thủy điện, với những trăn trở mà câu trả lời còn ở phía trước, tôi lại lần mò đường về Krong. Heo hút và vắng vẻ. Sợ đi lạc trong rừng, nhưng tìm người để hỏi đường cũng không dễ. Và cuối cùng cũng đến được nơi cần tới. Khoảng hơn 2 cây số con đường trước của trụ sở UBND xã đang được đổ bê tông, chỉ khoảng hơn chục công nhân cần mẫn làm việc giữa cái nắng rát bỏng của mùa khô. Ngày nghỉ nên UBND xã Krong vắng hoe, chỉ có công an viên Trần Danh Tứ, người làng Đăk Bok làm nhiệm vụ trực cơ quan. Anh Tứ rút điện thoại di động gọi cho Chủ tịch xã Đinh Nich nhưng máy đã khóa, may mà điện được cho Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Ninh. Anh Ninh nói sẽ đến trụ sở ngay, nhưng theo anh Tứ, cũng phải chờ cỡ một giờ vì nhà ở xa. Anh Tứ "tranh thủ" đưa tôi xuống nhà Đinh Nich, ở ngay xóm trước trụ sở xã nhưng chả có ai ở nhà. Anh Tứ bảo, chắc Chủ tịch xã "đi" thôn rồi. Mà "xuống cơ sở" ở Krong, như tôi vừa lần mò đường vào xã, không đơn giản chuyện đi lại, trong khi thôn xa nhất cách trung tâm xã tới 14 cây số.
Thế là "tận dụng thời gian", Tứ đưa tôi thăm những gì còn lại của khu căn cứ xưa. Băng qua vài thửa ruộng, lội qua một con suối nhỏ là tới một khu đất mà như Tứ bảo, trước đây là trụ sở của Tỉnh ủy ngày kháng chiến, cũng còn dấu tích của hầm trú ẩn khi địch ném bom hoặc nã pháo, rồi bếp Hoàng Cầm, nhà kho, sân bóng chuyền… Tôi nhìn mà ái ngại, sức tàn phá của thời gian quả là ghê gớm. Nếu không nhanh nhanh có kế hoạch thì… đáng lo, dù rằng dưới gốc cây đầu làng có một tấm biển chắc chắn mới được dựng lên đề rằng "Thị trấn Dân Chủ, được hình thành tháng 8-1972".
Tổng biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng cũng đã từng hoạt động ở đây trước khi được cử đi học tại vùng giải phóng ở Trà My (Quảng Nam). Ông kể, hồi đó thị trấn Dân Chủ khi mới lập ra ở vùng chiến khu tất cả có 70 hộ gia đình từ nhiều vùng quê tới đây hội tụ. Nhưng bây giờ, có hỏi chuyện xưa, những chủ nhân mới trong xóm đều trả lời… "không rõ lắm". Công an viên Trần Danh Tứ cũng thừa nhận điều đó.
Chuyện của một thời
Người rành chuyện về thị trấn Dân Chủ (thuộc xã Krong) trong những năm kháng chiến chống Mỹ không nhiều. Đúng ra, cái thị trấn đó chỉ tồn tại có 3 năm trước ngày giải phóng, dù rằng vùng căn cứ ấy có từ cuối năm 1955. Qua giới thiệu của ông Đoàn Minh Phụng, tôi đã lần mò tới một số địa chỉ. Đầu tiên là số 22 Nguyễn Công Trứ (phường Yên Đổ, TP Pleiku). Chủ nhà, bà Bùi Thị Bích Hoàng, một nữ chiến sĩ của Trung đoàn vận tải 250 ngày trước đóng quân gần thị trấn Dân Chủ kể rằng, năm 1973, trên đường hành quân qua đèo Mang Yang, tình cờ đơn vị của bà gặp một đơn vị bộ đội cũng hành quân qua đây. Và "giây phút ban đầu ấy" đã khiến ông Hồ Đức Vân không thể quên được cô gái của Trung đoàn vận tải. Sau ngày giải phóng, ông Vân đã quay về Gia Lai lần tìm được bà Hoàng để ngỏ lời cầu hôn với người con gái mà ông chỉ gặp mặt một lần duy nhất trên đường hành quân đi chiến dịch. Bất ngờ và cảm động về mối tình "sét đánh" này mà bà Hoàng đã… gật đầu rồi họ nên vợ nên chồng.
Tôi ngồi chờ Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Ninh mà nhớ lại câu chuyện bà Nguyễn Thị Nhiên (hiện ở 60 phố Thống Nhất, phường Ia Kring, TP Pleiku) đã kể. Cũng tại thị trấn này, giữa những năm chiến tranh ác liệt nhất - năm 1974 đã diễn ra một đám cưới thật đặc biệt giữa cô kế toán Nguyễn Thị Nhiên và anh Cửa hàng trưởng của Ban Mậu dịch. Giờ đây, dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì chồng bà không còn. Bà bảo với tôi rằng, đã rất nhiều lần muốn trở lại thăm chiến khu xưa nhưng vì sức khỏe yếu nên lần nào cũng lỗi hẹn. Năm nay, vài hôm nữa Hội Phụ nữ tỉnh thành lập một đoàn lên thăm Krong, bà sẽ đi bằng được. Tôi biết bà nói vậy là quyết tâm nhiều lắm bởi năm nay bà cũng ở tuổi 74 rồi.
Hỏi ông Ngô Thành, bà Hoàng, bà Nhiên thì ở thị trấn này còn nhiều chuyện lắm. Chuyện vui cũng nhiều mà chuyện buồn cũng chả ít. Trong chiến tranh là vậy, tất cả đều ấm tình quân dân, chở che đùm bọc lẫn nhau. Có những đơn vị bộ đội chủ lực hành quân qua Krong để luồn sâu vào chiến trường, gặp khi địch đi càn, ròng rã hàng tháng trời, đành phải "trú chân" ở đây. Và bà con ta, người Kinh có, người Ba Na có và cả người Thái, người Mường… sẵn sàng quyên góp lương thực giúp đỡ bộ đội, trong khi trồng ra hạt lúa, cái bắp, củ mỳ trong tầm pháo, tọa độ đánh bom của giặc nào có dễ dàng gì…
Và gian nan đường lên no ấm
Chuyện về hôm nay ở "chiến khu xưa" Krong giữa tôi với Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Ninh và Chủ tịch xã Đinh Nich cứ trầm trầm. Tôi biết các anh còn day dứt lắm khi vùng đất này vẫn trong "diện" 135. Tại nơi giàu truyền thống như thế này mà bà con vẫn bị cái đói, cái nghèo đeo đẳng, hỏi sao cán bộ không trăn trở ? Đinh Nich cho biết: Xã có 22 làng (21 làng của đồng bào Ba Na) với hơn một nghìn hộ dân thì năm trước còn tới hơn 600 hộ nghèo (chiếm hơn 51%). Buồn lắm nhưng tụi mình (cán bộ) cũng đã cố gắng hết sức rồi. Tỷ lệ gieo trồng cây lương thực (lúa nước, lúa rẫy, trồng bắp), cây thực phẩm (đậu đen, đậu xanh, đậu côve), cây công nghiệp lâu năm (cà phê, bởi lời)… nói chung xã mình đều vượt chỉ tiêu huyện giao. Vậy mà cả một năm mới giảm được có 75 hộ nghèo. Để lương thực bình quân đầu người đạt 8.576 kg/năm như 2009, rồi đưa điện về 14/22 làng, 70% dân trong xã được dùng nước sạch… có thể nói bà con và cán bộ tụi mình phải xoay cật lực.
Cũng có những số liệu mà cả người đại diện cho Đảng ủy và UBND xã không nói ra, nhưng theo báo cáo của huyện Kbang thì những năm gần đây, Krong thuộc diện ưu tiên hàng đầu. Năm trước, tổng số vốn đầu tư trên địa bàn xã từ nguồn ngân sách là khoảng trên 17 tỷ đồng, trong đó phần lớn tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường liên thôn, liên xã; xây dựng trường học; hệ thống thủy lợi... Tôi tin, đất nước sau 35 năm giải phóng, giành độc lập, những ưu tiên cho Krong sẽ không chỉ có vậy, chắc chắn một ngày không xa, nơi chiến khu xưa của tỉnh Gia Lai chuyện 'thường ngày" về Điện - Đường - Trường - Trạm sẽ được giải quyết ổn thỏa. Nhưng để người dân của vùng đất này thoát khỏi đói nghèo thì quan trọng hơn thế, vấn đề cần giải quyết lại là chuyện ở "chiếc cần câu". Chủ tịch xã Đinh Nich kể: Năm trước (2009), diện tích sản xuất cây nông nghiệp của xã nhìn chung đều tăng so với kế hoạch, nhưng sản lượng lương thực thu được lại thấp, không đạt chỉ tiêu. Hạn hán và mưa lũ đã làm mất trắng hơn 60% diện tích bắp; tương tự 25% diện tích trồng lúa bị sâu bệnh nặng nên năng suất rất thấp...
Vậy nên, vấn đề ở đây là giải bài toán về chuyển đổi giống cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng cùng điều kiện khí hậu của địa phương. Tương tự là chuyện cây giống, con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng... Và nhìn xa hơn nữa là chuyện nguồn vốn đầu tư, mức lãi suất ưu đãi cho dân vay; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực; vận động con em người dân tộc tới trường... Tựu trung lại là để diện tích hơn 38.000ha đất tự nhiên của Krong thực sự có ý nghĩa trong phát triển đời sống của người dân thì còn nhiều việc phải làm. Đặt một tấm biển di tích thì tất cả mới chỉ nói lên những gì hào hùng của những ngày đã qua. Nhưng để cuộc sống hôm nay và ngày mai của người dân xứng đáng với mảnh đất từng được coi là "chiếc nôi" của cách mạng Gia Lai trong những ngày kháng chiến chống Mỹ thì trách nhiệm đặt lên vai những cán bộ trẻ của địa phương như Nguyễn Tiến Ninh và Đinh Nich thật nặng nề.
Con đường phía trước đầy gian truân, thử thách. Nhưng có dịp tiếp xúc và nhìn vào ánh mắt của họ hôm nay, tôi tin, ngày đó với đến với Krong sẽ không xa!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.