(HNM) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại nước ta có tốc độ lây lan nhanh hơn các đợt dịch trước, diễn ra ở nhiều khu công nghiệp nên đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nói riêng; từ đó ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước đã ghi nhận 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 1,2 triệu lao động thất nghiệp…
Nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng.
Tín hiệu đáng mừng đối với người lao động và người sử dụng lao động là so với các gói hỗ trợ trước đây, quy trình triển khai 12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ được giản lược tối đa thủ tục; rút ngắn thời gian tiếp nhận, xem xét và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ... nên các đối tượng sẽ dễ tiếp cận, thụ hưởng hơn.
Hiện nay, các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang rất mong chờ gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Hỗ trợ đúng đối tượng là nguyên tắc hàng đầu, nhưng hỗ trợ kịp thời cũng rất quan trọng. Bởi, giống như người ốm cần sớm được cấp cứu, điều trị, doanh nghiệp và người lao động bị mất việc, ngừng việc sẽ khó gượng dậy nếu việc hỗ trợ không kịp thời.
Do vậy, các bộ, ngành chức năng, địa phương cần triển khai tích cực, khẩn trương, sáng tạo, có sự phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm, để chính sách giàu tính nhân văn, thiết thực này sớm được thực hiện hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, linh hoạt, đúng đối tượng…
Nhiệm vụ trước mắt cũng như xuyên suốt của các cấp, ngành, địa phương là bám sát Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 7-7-2021) của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP.
Đối với các địa phương, cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhất là khi chính sách hỗ trợ lần này được Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện. Sớm xây dựng bộ tiêu chí chi tiết, rõ ràng với từng đối tượng thụ hưởng, giảm thiểu thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian xét duyệt. Khi các điều kiện để được hưởng hỗ trợ phù hợp, các "nút thắt" về thủ tục hành chính được tháo gỡ… sẽ tạo tiền đề quan trọng để việc thực thi chính sách được thuận lợi.
Trong quá trình triển khai, hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ… cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc hỗ trợ trúng đích.
Về phía người sử dụng lao động, cần sử dụng khoản hỗ trợ một cách hiệu quả nhất, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Người lao động cũng cần tận dụng chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, qua đó đáp ứng bền vững nhu cầu của thị trường lao động, tìm được việc làm, tăng thu nhập khi dịch bệnh qua đi.
Với sự vào cuộc chủ động, khẩn trương của các cấp, ngành, địa phương, gói hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng sẽ sớm đến được với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây thực sự là đòn bẩy kịp thời, hiệu quả, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.