Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng thấp hơn so cùng kỳ năm trước

Minh Huệ| 08/07/2014 10:55

(HNMO)- Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XIV, sáng nay (8-7).

Ông Vũ Hồng Khanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các nghị quyết của HĐND về nhiệm vụ phát triển KT-XH, dự toán thu chi Ngân sách năm 2014; đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 03/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2014; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2014 của UBND thành phố về việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014";... Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, rà soát các quy chế, quy định, thủ tục hành chính tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung phân cấp quản lý một số lĩnh vực KT-XH giai đoạn 2011-2015, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, các cơ chế đặc thù thu hút đầu tư. Thành phố tiếp tục xác định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành...

Theo đánh giá của UBND thành phố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm GRDP ước chỉ tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (7,67%) và ước bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước. Các ngành đều duy trì tăng trưởng nhưng hầu hết thấp hơn mức cùng kỳ năm trước và thấp hơn kế hoạch. Trong đó, ngành công nghiệp tăng trưởng chậm dần trong thời gian qua; ngành dịch vụ không có tăng trưởng bứt phá, hoạt động thương mại kém sôi động hơn các năm trước, nhập khẩu giảm; thu hút vốn đầu tư xã hội thấp so với kế hoạch; nhiều doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, ngừng hoạt động.


Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế-xã hội trên địa bàn Hà Nội còn bộc lộ một số hạn chế, như: dịch bệnh sởi chậm được kiểm soát; công tác phòng, chống cháy nổ chưa đạt kết quả như mong muốn, nguy cơ cháy nổ gia tăng, số vụ cháy vẫn tăng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; nhiệm vụ Năm trật tự văn minh đô thị được triển khai tích cực nhưng kết quả chưa thực sự nổi bật; khiếu kiện đông người còn phức tạp; công tác cải cách hành chính có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí, song số lượng người chết, bị thương còn cao, tai nạn đường sắt chưa giảm; ùn tắc giao thông còn tiềm ẩn có thể diễn ra tại một số điểm mới, phương tiện cá nhân tham gia giao thông vẫn tăng.

Tình hình trên có nguyên nhân khách quan là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước; những yếu kém nội tại của nền kinh tế; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để phát huy hiệu quả;... Nhưng nguyên nhân chủ quan là do trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu chủ động và chưa thực sự quyết liệt. Về phía các doanh nghiệp, việc điều hành và dự báo thị trường, chiến lược đầu tư có nhiều hạn chế; khả năng về tài chính, quản trị và năng lực cạnh tranh còn yếu.

Theo nhận định, từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi tích cực, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng chậm lại và gặp nhiều khó khăn. Khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động nhưng vẫn còn các điểm nóng. Thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tranh chấp chủ quyền ở biển Đông có thể tiếp tục căng thẳng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, môi trường đầu tư trong nước và Thành phố.

Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường bất động sản tuy có ấm lên nhưng chưa hồi phục rõ nét, nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục khó khăn... sẽ ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, để hoàn thành và hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ HĐND đã quyết nghị, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô cần tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đã xác định từ đầu năm, đồng thời tập trung vào một số trọng tâm: hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư, thu ngân sách; tiếp tục đẩy nhanh công tác quy hoạch; tăng cường quản lý trật tự, xây dựng đô thị; thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và kế hoạch sản xuất vụ mùa 2014, vụ đông 2014-2015; phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội và đảm bảo an sinh; tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng thấp hơn so cùng kỳ năm trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.