Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao

Việt Tuấn| 24/09/2015 06:23

(HNM) - 9 tháng năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,3% - mức tăng cao nhất của 4 năm trở lại đây; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tăng cường...

Kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Ngô Văn Quý, kinh tế Thủ đô trong quý III tiếp tục có chuyển biến tích cực, GRDP ước tăng 9,2%, cao hơn các quý trước và cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 9 tháng năm 2015, GRDP tăng 8,3%. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Ngành Công nghiệp quý III ước tăng 8,2%, tính chung 9 tháng tăng 7,2%. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất giường, tủ, bàn ghế (50%); xe có động cơ (37%); thuốc, hóa dược và dược liệu (29,2%); trang phục (23,2%)... Ngành Xây dựng tiếp tục chuỗi đà phục hồi và tăng trưởng, quý III ước tăng 11,9%, lũy kế 9 tháng tăng 11%, cao hơn mức cùng kỳ của 2 năm trước (lần lượt là 8% và 9%).

Sản xuất công nghiệp là một trong những ngành có tốc độ phát triển cao, ổn định của thành phố. Ảnh: Yến Ngọc


Cùng với đó, ngành dịch vụ tăng 8,8%, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội ước đạt 1,6 triệu lượt, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Ngành Nông nghiệp ước tăng 2%, công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Trong quý III-2015, đã có thêm 18 xã đề nghị thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới của thành phố lên 127. Ngoài ra, có 141 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí; 118 xã đạt và cơ bản đạt 10-14 tiêu chí.

Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 105.886 tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 0,71% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, thành phố cũng thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh như rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính... Thành phố đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, công bố nhóm danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức hội nghị gặp gỡ đối thoại với đại diện của 37 dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư; xúc tiến đầu tư các dự án xã hội hóa y tế...; đồng thời phân bổ kinh phí 65 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường. Thành phố cũng đã xem xét hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí là 35,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 12 doanh nghiệp với số tiền 11 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất kinh doanh cho 14 doanh nghiệp số tiền 24,3 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cam kết cho vay ưu đãi 65.200 tỷ đồng, đã giải ngân 49.538 tỷ đồng cho 2.890 doanh nghiệp... Những giải pháp đồng bộ này đã thúc đẩy kinh tế Thủ đô chuyển biến tích cực.

Tháo gỡ khó khăn về vốn và thị trường

Bên cạnh kết quả hết sức khả quan vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần có những giải pháp kịp thời tháo gỡ. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt thấp, dù quý III đã tăng trở lại với mức tăng là 2,9% (quý II giảm 5,8%), tính chung 9 tháng ước tăng 0,2%. Đây là chỉ tiêu thấp so với kế hoạch là 8-9% (cùng kỳ năm 2014 tăng 10,5%). Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 14.142 (tăng 37,6%) nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lên tới 10.523 doanh nghiệp, tăng 27,5% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho rằng, những biến động tỷ giá USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác như euro hay đồng yên của Nhật Bản đã tác động đến tình hình xuất khẩu. Trong khi đó, giá một số nguyên liệu đầu vào như điện, nước, lương tối thiểu tăng và năm 2015 các doanh nghiệp không được hưởng mức giảm trừ 50% tiền thuê đất... dẫn đến giá thành sản xuất cao. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống như gạo giảm 6,6%, cà phê giảm 21%; xuất khẩu đến thị trường Nga giảm 13%, thị trường Mỹ giảm 23%... đã tác động đến chỉ số kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội. Về số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, ông Lê Hồng Thăng cho rằng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ lẻ, còn doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp tập trung, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định. Cũng theo Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng, để đạt mục tiêu tăng 11,2% trong quý IV, các sở, ngành thành phố cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xem xét điều chỉnh giảm giá thuê đất sản xuất công nghiệp cho doanh nghiệp; tích cực triển khai Luật Đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư mới và mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngành Giao thông cũng điều chỉnh giờ giao thông hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phía Nam vận chuyển hàng hóa vào nội đô. Cùng với đó, trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết, cần vận dụng linh hoạt để tạo quỹ đất phát triển sản xuất công nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm quan trọng, mang tính quyết định không chỉ cho riêng năm 2015 mà là cho cả một thời kỳ 5 năm, làm tiền đề cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, quy hoạch tổng thể trong giai đoạn 10 năm 2010-2020. Vì vậy, các sở, ngành phải quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn tại, tăng cường các giải pháp để kiềm chế số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải quyết vấn đề nợ xây dựng cơ bản... Để đạt mức tăng trưởng 9-9,5% cả năm 2015 theo chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về vốn và thị trường; duy trì và đẩy mạnh chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp; chú trọng các giải pháp kích cầu tiêu dùng để tăng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa.

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng khó đạt chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm, song cần tiếp tục bám sát các thị trường xuất khẩu truyền thống kết hợp với xúc tiến thị trường mới. Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa cho hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Các cấp, ngành cần tập trung hoàn thành các chỉ tiêu thu chi ngân sách, nhất là kế hoạch đấu giá đất năm 2015, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Về nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: Cần làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động; tập trung mọi giải pháp để giảm 1,5% hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới của thành phố trong năm 2015. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức với nhân dân, doanh nghiệp. Đây là chìa khóa nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thủ đô tăng trưởng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.