(HNM) - Khả năng tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) vẫn chưa thông thoáng làm cho sản xuất kinh doanh của khu vực này đã khó càng thêm khó. Mặc dù Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Hà Nội đã nỗ lực đưa đồng vốn ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX phát triển, song hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 30%...
Nhờ nguồn vay của Quỹ Hỗ trợ HTX, nhiều hộ đã có đủ vốn để mở rộng sản xuất. |
Vốn như "muối bỏ bể"
Hiện nay, nguồn vốn vay cho khu vực KTTT, HTX chủ yếu là từ Quỹ Hỗ trợ phát triển (QHT) HTX Hà Nội. Đi vào hoạt động được gần 4 năm qua, quỹ này đã tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay, tạo đà cho 467 HTX, tổ hợp tác (THT) ở mọi lĩnh vực mở rộng đầu tư, sản xuất. Là một tổ chức tài chính nhà nước với tổng nguồn vốn của quỹ đạt 95 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp, 6 tháng đầu năm 2012, quỹ đã giải ngân được trên 30,1 tỷ đồng cho 122 dự án vay vốn trong đó có 22 dự án của HTX và 100 dự án THT. Hiện dư nợ của toàn
quỹ đạt trên 68,3 tỷ đồng. "Hầu hết các HTX, THT hiện nay đều gặp khó khăn về vốn. Vì vậy, hoạt động của QHT HTX thời gian qua được coi là bệ phóng cho sự phát triển của nền KTTT hiện nay" - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An khẳng định.
Tuy nhiên so với trên 1.629 HTX, Quỹ TDND, 325 THT thì nguồn vốn trên chỉ như "muối bỏ bể". Hiện nay, khá nhiều THT, HTX trên địa bàn không thể tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại nên thiếu vốn để tổ chức các dịch vụ phục vụ cho kinh tế hộ, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Dư nợ của lĩnh vực này ở các ngân hàng rất thấp (chỉ chiếm khoảng 0,05% tổng dư nợ của ngân hàng). Ngoài ra, các nguồn vốn ưu đãi khác như: gói kích cầu của Chính phủ năm 2009, 2010; cho vay không cần thế chấp "tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các HTX" theo Nghị định 41… còn ở ngoài tầm với của các HTX.
Cần tháo gỡ rào cản
Theo kết quả khảo sát trên 400 thành viên của QHT HTX đang hoạt động trên địa bàn TP thì nhu cầu cần được hỗ trợ vốn vay tại khu vực HTX, THT khoảng 600 đến 700 tỷ đồng. Chủ nhiệm HTX chăn nuôi tổng hợp Vạn Bình (xã Vạn Thái, Ứng Hòa) cho biết: HTX có 150 xã viên với 50 THT hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực khác nhau: chăn nuôi, may mặc, cơ khí… Hằng năm, chỉ tính riêng việc tiêu thụ thức ăn chăn nuôi đã tới 2.000 tấn, chưa kể giống, vật tư thú y khác. Đó là chưa kể lượng hàng hóa luân chuyển 100.000 con gia cầm; 10.000 con lợn xuất chuồng mỗi lứa... nên cần lượng vốn khá lớn. Theo nhu cầu tổng hợp vốn của HTX Vạn Bình thì hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn khoảng 300 triệu đồng/hộ, còn mỗi THT thì cần khoảng 700-800 triệu đồng.
Giám đốc QHT HTX Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho rằng: Qua thực tế tiếp cận nguồn vốn tại quỹ của các HTX, THT cho thấy, nhiều đơn vị không chỉ khó khăn về tài sản thế chấp mà phương án sản xuất kinh doanh cũng thiếu khả thi. Bên cạnh đó, những khó khăn như nguồn tài chính của các HTX, THT còn nhỏ, tài sản thế chấp ít, tỷ lệ HTX được cấp quyền sử dụng đất rất thấp... cũng đang là rào cản đối với khu vực KTTT khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Hiện nay, một số HTX đã được cấp bìa đỏ nhưng không có giá trị để thế chấp với ngân hàng. Vì vậy, các HTX, THT cần sớm được củng cố, khắc phục sớm tồn tại này để có thể tiếp cận tốt nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đây cũng là khu vực quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên cần được các ngân hàng thương mại quan tâm tiếp sức, tạo điều kiện cho QHT HTX thực sự là bệ phóng cho KTTT phát triển như kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.