(HNM) - Kết thúc 9 tháng, nền kinh tế đã để lại dấu ấn đáng ghi nhận trong bối cảnh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các chuyên gia nhận định, đời sống kinh tế đã, đang có bước phục hồi qua từng tháng, nhưng diễn ra chậm, còn thiếu độ vững chắc bên cạnh một số bất lợi vẫn đang hiện diện…
Sản xuất hồi phục
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua, đã có hơn 11.000 doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động, chủ yếu là DN bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; DN thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và DN ngành xây dựng. Riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 4.000 DN đã quay trở lại hoạt động. Đây là diễn biến tích cực và rất đáng mừng, thể hiện sự hồi sinh mạnh của một bộ phận DN trên phạm vi cả nước; đánh dấu sự gia tăng tốc độ và mức độ hoạt động của cộng đồng DN. Từ việc có thêm nhiều DN hồi phục nên "cơn đói" nguyên liệu và năng lượng cũng từng bước trở lại.
Đời sống kinh tế - xã hội đã và đang có bước phục hồi qua từng tháng. Ảnh: Như Ý |
Lượng điện thương phẩm cấp cho ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,59%, điện cấp cho nông, lâm nghiệp, thủy sản cũng như cấp cho ngành thương nghiệp, khách sạn nhà hàng cũng tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Thông qua tăng trưởng về mức cung của ngành điện có thể thấy hầu hết hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản đang từng bước phục hồi. Từ thực tế này lại thúc đẩy nhịp độ sản xuất và tiêu dùng một cách liên tục; tạo ra tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, một khi nền kinh tế biết "đói" hơn chứng tỏ tổng mức cầu đã được cải thiện khá rõ, đồng thời cũng gỡ bỏ được tâm lý là tổng cầu yếu, gây ra sự trầm lắng đối với hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như đã xảy ra trong năm trước và nửa đầu năm nay. Niềm tin của DN được nhen nhóm trở lại và duy trì để trụ vững trên thương trường. Trong khi đó, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của kinh tế cả nước 9 tháng qua, với kim ngạch đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012. Những động thái và kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực nói trên đã góp phần đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 5,14% so với cùng kỳ năm trước.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Đánh giá về tình hình kinh tế 9 tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương đều xác nhận, những chính sách hỗ trợ tổng cầu từ tầm vĩ mô đã bước đầu có kết quả, tạo ra sự chuyển dịch của DN và thúc đẩy hồi phục kinh tế. Hoạt động sản xuất và thương mại đã gắn kết hơn, khiến khu vực dịch vụ đã tăng 6,2% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 12,5%. Các ngành chức năng đã chủ động áp dụng biện pháp tạm ứng vốn, tạm ứng trái phiếu chính phủ, hỗ trợ trong quá trình giải phóng mặt bằng, hạ tầng ngoài hàng rào dự án, chuẩn bị nhân sự các ban quản lý dự án và cải cách hành chính để tăng tốc độ giải ngân các nguồn vốn, kể cả vốn ODA…
Chính phủ xác định, DN vẫn sẽ là đối tượng trung tâm và sẽ được tiếp nhận sự hỗ trợ đồng bộ, kịp thời. Theo các chuyên gia, dù DN đã dần hồi phục nhưng chưa bền vững do một thời gian khá dài "đuối sức", nhất là tình trạng cạn vốn cũng như thiếu thị trường cho đầu ra sản phẩm. Chính phủ đang chỉ đạo các ngành phối hợp với địa phương chủ động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại để vừa "gọi vốn" vừa tăng cường xuất khẩu. Đáng lưu ý là, gần đây các hiệp hội ngành nghề đã tập trung nghiên cứu những vấn đề mà DN đang cần gồm: cung cấp thông tin thị trường, quy định pháp lý, thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn chất lượng… Đặc biệt, nhiều hiệp hội đang phát huy tốt vai trò cầu nối giữa DN với cơ quan quản lý, phối hợp trong giải quyết tranh chấp quốc tế, nhất là xử lý những khiếu kiện chống bán phá giá vô lý, bất bình đẳng từ phía các DN nước ngoài.
Cộng đồng DN đang ráo riết tìm cơ hội và thực hiện các đơn hàng, nhất là tập trung mọi nguồn lực cho xuất khẩu. Hy vọng, kết quả phát triển kinh tế cả năm sẽ cao hơn năm trước khi các hoạt động sản xuất, giao dịch thương mại luôn "tăng nhiệt" vào những tháng cuối năm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.