Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế quý I tăng trưởng chậm: Có đáng lo ngại?

Hương Thủy| 03/04/2017 23:28

(HNMO) - Quý I-2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại khi tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm vừa qua. Vậy, điều này có đáng lo ngại?


Số liệu được Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, GDP quý I-2017 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, kinh tế quý I năm nay tăng trưởng cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014 (năm 2012 tăng 4,75%, năm 2013 tăng 4,76% và năm 2014 tăng 5,06%) nhưng lại thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân được đưa ra là tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn trong năm 2016 tiếp tục ảnh hưởng đến việc trồng trọt vụ lúa mùa ở đồng bằng sông Cửu Long khiến vụ lúa mùa giảm diện tích dẫn đến sản lượng lúa giảm, vì thế ngành trồng trọt tăng trưởng âm.


Sản xuất linh kiện điện tử tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh:TTXVN)


Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp - động lực chính tăng trưởng kinh tế - chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây (mức tăng quý I của ngành công nghiệp năm 2011 là 9,16%; năm 2012: 7,86%; năm 2013: 4,43%; năm 2014: 4,17%; năm 2015: 9,27%; năm 2016: 6,92%); trong đó, ngành khai khoáng sụt giảm mạnh, bằng 90% cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,76% mức tăng trưởng chung, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,3%, giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016). Như vậy, vấn đề là không chỉ ngành khai khoáng sụt giảm (trong đó dầu khí giảm khá mạnh) mà quan trọng là ngành chế biến, chế tạo có sự sụt giảm đáng kể. 


Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thông thường quý I kinh tế tăng trưởng thấp hơn các quý còn lại trong năm, vì thế việc kinh tế tăng trưởng chậm lại trong quý I không quá lo ngại, vấn đề là các quý tới kinh tế phát triển ra sao.

Còn chuyên gia Đinh Tuấn Minh - Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello (Thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách) cho rằng, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế quý I, ngoại trừ ngành công nghiệp, những yếu tố khác là khá sáng sủa như lạm phát ổn định, lĩnh vực dịch vụ phát triển tốt, …

Chuyên gia này nhìn nhận,  kinh tế tăng trưởng chậm lại nếu chỉ là nhất thời thì không đáng lo ngại và sẽ là ngược lại nếu đó là xu hướng. Với việc khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm trong quý I năm nay, cần xem xét việc tăng trưởng chậm này mang tính xu hướng hay chỉ mang tính nhất thời, cần tìm hiểu ở những góc độ khác nhau.

Về điểm sáng của nền kinh tế, chuyên gia Nguyễn Minh Phong chia sẻ, các yếu tố khác của nền kinh tế vẫn diễn biến tốt và điều này đã được Tổng Cục thống kê chỉ ra. Chẳng hạn như: vốn FDI tăng mạnh (tính chung trong quý I, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng tới 91,5% so với cùng kỳ năm 2016); số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh (trong 3 tháng năm nay, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng chú ý, khoảng 90% doanh nghiệp thành lập mới trong năm ngoái đã đi vào hoạt động. “Những con số trên cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện mạnh mẽ”, ông Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, những điểm sáng trên sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời gian tới dẫu biết rằng 9 tháng còn lại của năm là khá khó khăn.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, theo một số chuyên gia kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được đưa ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, đặc biệt là chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có sự đột phá; thực hiện kỷ luật tài khóa; thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư của nhà nước, vốn FDI; cơ cấu lại nền kinh tế; tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 3-4 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thủ tướng yêu cầu từng ngành, lĩnh vực cần có kịch bản tăng trưởng riêng, nhất là các ngành: khai khoáng, xây dựng, cơ khí chế tạo; các lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch cần được tiếp tục đẩy mạnh để đạt con số kỳ vọng tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế quý I tăng trưởng chậm: Có đáng lo ngại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.