(HNM) - Khi người Anh “nói lời từ biệt” Liên minh Châu Âu (EU), đồng bảng Anh đã tụt dốc không phanh, xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua. Đó cũng là thời điểm để nền kinh tế Pháp vượt qua Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu.
Thành công của EURO 2016 góp phần giúp nền kinh tế Pháp tăng trưởng. Ảnh: Reuters |
Theo Báo Express của Anh, nhiều chỉ số khẳng định Anh đã rơi xuống vị trí thứ 6 của nền kinh tế thế giới ngay sau khi người dân xứ Sương mù quyết định rời EU. Các phân tích của Trường Kinh tế London cho rằng, việc mất giá lớn nhất trong 31 năm qua của bảng Anh là "nhát búa" giáng mạnh vào nền kinh tế nước này. Và vì vậy, nước Pháp đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu. Nhưng, đây không phải lý do duy nhất, những tín hiệu lạc quan về nền kinh tế cũng đã tạo ra hy vọng về sự hồi phục cho kinh tế Pháp. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Pháp đã tăng trưởng 0,5% trong quý I năm 2016, cao hơn dự báo của các chuyên gia.
Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 dự kiến đạt 1,6%, cao hơn 1,2% so với năm 2015. Trong lĩnh vực việc làm, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Pháp đã tạo ra 210.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp dự kiến sẽ ở mức 9,5% và được đánh giá là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007. Dù rằng các yếu tố tạo ra tăng trưởng có thể sẽ không như kỳ vọng, nhưng đà đi lên của kinh tế Pháp sẽ tiếp tục được duy trì. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng 0,3% và 0,4% trong quý III, quý IV năm 2016; đầu tư của doanh nghiệp, yếu tố chính thúc đẩy kinh tế, sẽ tăng 4,7% trong năm nay, mức kỷ lục kể từ năm 2007; tiêu dùng hộ gia đình có thể sẽ tăng 1,6%, sức mua tăng 1,7% trong cả năm...
Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm" bởi Pháp vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết là làn sóng biểu tình và đình công diễn ra trong nhiều tháng qua. Những cuộc bạo động tại Pháp đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt hơn, trong khi nguy cơ khủng bố vẫn chưa hết. Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như khách du lịch. Chưa kể hồi đầu tháng 6 vừa qua, Thủ đô Paris và vùng phụ cận của Pháp đã trải qua trận lũ lụt kỷ lục, gây thiệt hại khoảng 1 tỷ euro (nếu tính trên toàn nước Pháp, mức thiệt hại có thể lên tới 2 tỷ euro).
Giữa lúc khó khăn, Pháp “như bắt được vàng”. Một trong những “liều thuốc” tiếp sức cho nền kinh tế mà Chính phủ Pháp kỳ vọng chính là EURO 2016, với khoản thu lên đến 1,3 tỷ euro. Theo chuyên gia kinh tế Diego Iscaro của Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Global Insight, EURO 2016 diễn ra thành công sẽ giúp nước Pháp lấy lại hình ảnh của một điểm đến du lịch an toàn sau những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng cuối năm 2015. Ước tính, EURO 2016 thu hút khoảng 2,5 - 3 triệu du khách, trong đó, có khoảng 1 triệu du khách nước ngoài đến Pháp để cổ vũ các trận đấu. Lượng du khách đó sẽ giúp nền kinh tế Pháp thu hàng trăm triệu euro. Không chỉ có vậy, EURO 2016 còn cung cấp khoảng 26.000 việc làm mới, từ đó gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2016 thêm 1,6 tỷ USD. Đó chưa phải là tất cả, ngay sau khi EURO 2016 khởi tranh, Pháp còn đón tin vui khi EURO 2016 đạt mức tăng kỷ lục về tài chính. Đầu tiên, phải kể đến khoản tiền lên tới gần 3 tỷ euro từ tiền bản quyền truyền hình, vé và quảng cáo trong sân. Trong khi đó, các nhà tài trợ cũng đem đến một khoản tiền lên tới 1 tỷ euro.
Với việc đội tuyển Pháp đoạt "vé" chơi trận chung kết EURO 2016 cùng sự thăng hạng của nền kinh tế, rõ ràng đây là một kỳ EURO thành công trên mọi phương diện của “Gà trống Gô loa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.