Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này sẽ lại lâm vào suy thoái lần thứ hai trong vòng ba năm, với tổng sản phẩm quốc nội GDP dự kiến giảm 0,1% trong quý 3/2012, sau khi đã giảm với mức tương tự trong quý 2 và tăng trưởng 0% trong quý 1.
Kinh tế Pháp đã thoát khỏi cuộc suy thoái gần đây nhất vào mùa Xuân năm 2009, song vẫn đang gặp khó khăn trong việc giành lại động lực tăng trưởng do cuộc khủng hoảng nợ.
Sự không chắc chắn về số phận của đồng euro và các vấn đề liên quan trên các thị trường tín dụng đã khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư hoặc hủy hoặc trì hoãn các quyết định chi tiêu lớn.
Thực tế này được thể hiện rõ trong ngành xây dựng và ngành công nghiệp ôtô Pháp. Số nhà được khởi công trong quý 2 giảm 14% so với các mức của năm 2011, trong khi doanh số bán xe trong tháng Bảy giảm 7%.
Khi những ngành thu hút nhiều lao động này gặp trở ngại, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng mạnh lên gần 10%.
Một vấn đề khác của kinh tế Pháp là thâm hụt thương mại đang ở gần các mức cao kỷ lục, mặc dù mức thâm hụt trong nửa đầu năm nay đã giảm xuống 34,9 tỷ euro (43,2 tỷ USD), so với con số 38,2 tỷ euro của cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ trưởng Thương mại Pháp Nicole Bricq, những con số này phản ánh tình hình chung của kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ ở châu Âu, song cũng cho thấy vấn đề về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp.
Trước sự sa sút của nền kinh tế, Chính phủ Pháp tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm nay từ 0,4% xuống 0,3% và từ 1,7 xuống 1,2% năm tới.
Trong khi đó, Pháp đang nỗ lực hạ thâm hụt ngân sách từ mức tương đương 4,5% GDP trong năm nay xuống mức giới hạn 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu vào cuối năm 2013.
Dự báo mới nhất của BoF về kinh tế Pháp được đưa ra sau khi Italy và Đức công bố các số liệu tồi hơn dự báo vào đầu tuần này.
Ngày 7/8, Italy công bố số liệu GDP quý 2 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số đơn đặt hàng công nghiệp của Đức giảm 1,7% trong tháng 5, chủ yếu do sự sụt giảm nhu cầu của các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Những số liệu u ám trên toàn cầu đã làm giảm bớt hy vọng về cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone sẽ sớm kết thúc.
Các thị trường chứng khoán châu Âu đã phục hồi mạnh mẽ trong những ngày gần đây, nhờ niềm tin đang ngày càng lớn rằng các chính trị gia và các thống đốc ngân hàng ở Eurozone sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cứu đồng tiền chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.