(HNM) - Thấm thoắt đã 5 năm từ ngày Hà Nội và Hà Tây (cũ) hợp nhất. Từ buổi ban đầu còn bỡ ngỡ với
Sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Dệt may Hà Nội Hanosimex. Ảnh: Tiến Sính |
Cơ cấu và quy mô kinh tế của hai địa phương trước khi hợp nhất còn khác nhau. Hà Nội có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, các loại hình dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu hàng đầu cả nước; nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP, trong khi quy mô và mức độ phát triển của Hà Tây cũ lại nhỏ và chậm hơn nhiều. Thực tế đó đặt ra bài toán khó là làm sao dung hòa hai đặc điểm riêng để bổ sung cho nhau, khắc phục tồn tại, tìm hướng phát triển. Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ trung ương, nhất là với quyết tâm của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã vượt qua thử thách ban đầu, với dấu ấn là năm 2009 (năm đầu tiên sau hợp nhất), GDP tăng 6,7%, tuy chưa cao nhưng vẫn hơn hẳn so với mức chung cả nước, khẳng định nội lực và sức đẩy tự thân. Mức thu hút đầu tư tăng 18%... GDP năm 2010 tăng trưởng 11%, gấp hơn 1,6 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước, thu nhập bình quân đạt khoảng 1.950 USD/người. Năm 2011, GDP của Hà Nội tăng 10,1%, vốn đầu tư phát triển 193.587 tỷ đồng, tăng 13,5%. Năm 2012, GDP của thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 8,1%, gấp 1,5 lần so bình quân chung cả nước. Thu hút đầu tư xã hội đạt 222.500 tỷ đồng, tăng 13,2%. Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư 22.000 tỷ đồng xây hạ tầng, giao thông, thủy lợi, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; hỗ trợ 23.000 hộ thoát nghèo và đào tạo, giải quyết việc làm cho 135.000 lượt lao động; xây mới 22 trường học công lập, đầu tư thêm 100 trường chuẩn quốc gia… Đây là nỗ lực rất lớn, nhằm từng bước hiện đại hóa khu vực nông nghiệp - nông thôn, san bằng khoảng cách giữa các quận, huyện và tạo điều kiện cho sự tăng tốc ở giai đoạn tiếp sau… Năm 2013, dự báo tình hình KT-XH vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, nhưng Hà Nội quyết tâm phấn đấu GDP tăng từ 8-8,5%, tổng vốn đầu tư phát triển tăng từ 6,5-15%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%… Riêng 6 tháng đầu năm nay, GDP tăng 7,67%, gấp 1,6 lần mức tăng chung của cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 101.147 tỷ đồng, tăng 11,4%... Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước những năm gần đây chịu ảnh hưởng nặng nề của suy giảm kinh tế toàn cầu thì đó là những kết quả thực sự đáng ghi nhận.
Những thành tựu kinh tế to lớn sau 5 năm hợp nhất là minh chứng cho sự quyết tâm, năng động của Đảng bộ, chính quyền và con người Thủ đô giàu truyền thống và trí tuệ. Hà Nội đang đứng trước cơ hội mới để phát triển bứt phá trong tương lai. Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thủ đô; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực từ 1-7-2013 sẽ là điều kiện đặc thù cho Thủ đô vận dụng, đi lên. Đây cũng là những cơ sở pháp lý, là động lực quan trọng để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển, thực hiện thành công mục tiêu hoàn thành CNH-HĐH trước cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng và vị thế của Hà Nội rất lớn, không chỉ được đánh giá ở sự mở rộng không gian thuần túy. Hà Nội - trái tim của cả nước đang đứng trước những vận hội mới, tiếp tục là đầu mối kinh tế, công nghiệp và giao thương nội vùng. Quan trọng hơn, Hà Nội sẽ là nơi tiếp nhận rồi trung chuyển, phân tán hàng hóa trong hành lang kinh tế từ Trung Quốc, Myanmar, Lào về Việt Nam đồng thời là một đầu mối của tuyến đường cao tốc xuyên Á. Hà Nội sẽ còn tỏa sáng hơn trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN, với lợi thế là vị trí duy nhất có thể tập kết, phân phối luồng hàng hóa thương mại đối lưu hai chiều trong thời gian tới.
Ý kiến nhân dân Ông Bùi Văn Chuẩn, cán bộ hưu trí, tổ dân phố 7, phường Phú La (Hà Đông): Công tác đánh giá cán bộ cần được chú trọng Thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc của người dân đã được lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tạo sự ổn định nhất định cho một số địa phương. Tuy nhiên để giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ vì vấn đề mấu chốt vẫn là văn hóa, đạo đức và kiến thức của cán bộ. Cần tuyển chọn kỹ lưỡng và đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Hy vọng qua những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua, công tác đánh giá cán bộ sẽ mang đến những đổi thay tích cực hơn. Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai: Chuyển biến tích cực trong công tác VSMT Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, công tác VSMT trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô được nâng lên. Thành phố đã triển khai nhiều dự án xây dựng các khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải tập trung quy mô cấp huyện, vùng, cấp thành phố với công nghệ hiện đại; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được triển khai đồng bộ. Từ chỗ tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải ở các huyện ngoại thành (khu vực Hà Tây cũ) chỉ đạt khoảng 30-40% so với tổng lượng rác thải phát sinh, thì đến nay con số đó đã tăng lên gần 82%. 100% các huyện ngoại thành đã ký hợp đồng đấu thầu, đặt hàng duy trì công tác VSMT. Nhóm PV Bạn đọc |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.