Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Nhật chật vật vượt khó

Đình Hiệp| 24/02/2012 07:18

(HNM) - Trái với nhận định lạc quan của nhiều chuyên gia phân tích khi cho rằng, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong quý I năm nay nhờ xuất khẩu phục hồi và chính phủ tăng chi tiêu cho tái thiết đất nước.

Gần một năm sau thảm họa kép siêu động đất gây sóng thần kinh hoàng trong lịch sử, những thách thức trong công cuộc tái thiết đất nước tiếp tục đè nặng lên đôi vai Thủ tướng Yoshihiko Noda khi thâm hụt thương mại của đất nước Mặt trời mọc tháng 1-2012 đã tăng lên 1.475 tỷ yen (tương đương 18,5 tỷ USD). Đây là mức thâm hụt cao kỷ lục của Nhật Bản kể từ năm 1979 đến nay.

Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đang tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản.

Nếu ai từng theo dõi "đường đi nước bước" của nền kinh tế Nhật Bản năm qua hẳn không quá ngạc nhiên với kết quả không mấy lạc quan trên. Số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản công bố gần đây cho thấy, kinh tế nước này quý IV-2011 đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2010, thậm chí tồi tệ hơn mức dự báo giảm 1,4% của các nhà kinh tế do xuất khẩu giảm sút vì chịu ảnh hưởng của trận lụt nghiêm trọng ở Thái Lan cùng với "cơn bão" khủng hoảng kinh tế toàn cầu và "căn bệnh" nợ công lan rộng tại Châu Âu.

Chưa thể vượt qua những thách thức đó, báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 20-2 vừa qua cho thấy, so với con số thâm hụt 479,4 tỷ yen tháng 1-2011, thâm hụt thương mại của Nhật Bản giờ đã tăng gấp 3 lần và vượt xa mức kỷ lục 967,9 tỷ yen của tháng 1-2009 khi kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh 9,3% xuống mức 4.510 tỷ yen trong tháng đầu năm 2012 do lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường Châu Á giảm mạnh. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu cũng là nguyên nhân quan trọng tác động không nhỏ tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Nhật Bản. Chỉ tính riêng tháng 1-2012, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Liên minh Châu Âu (EU) đã giảm tới 98,9% xuống còn 700 triệu yen do nhu cầu nhập khẩu ô tô và thiết bị điện tử vào thị trường này giảm. Với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, thâm hụt thương mại đang ở mức kỷ lục 587,9 tỷ yen và với Mỹ là 265,3 tỷ yen (giảm 7,6%).

Khó khăn không dừng lại ở đó khi kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 9,8% - vượt dự báo 9,5% của giới chuyên gia - lên 5,985 tỷ yen do nhu cầu về nhiên liệu tăng 74,3% sau thảm họa sóng thần gây sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Đây không chỉ là thách thức với nội các non trẻ vừa được cải tổ của Thủ tướng Y.Noda, mà còn trở thành "gánh nặng" với các nhà xuất khẩu nước này khi phải đối phó với tình trạng đồng yen tăng giá khiến giá thành sản phẩm tăng và làm giảm giá trị doanh thu từ nước ngoài. Tình trạng thâm hụt thương mại tăng kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ qua không chỉ làm dấy lên mối quan ngại về khả năng giảm núi nợ công đang ở mức gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế 5.000 tỷ USD, mà còn khiến quá trình phục hồi sau thảm họa động đất của các nhà sản xuất ở quốc gia Đông Bắc Á này trở nên khó khăn hơn. Song, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại là thâm hụt thương mại của nền kinh tế hơn 126 triệu dân này sẽ còn tái diễn nếu đồng yen tiếp tục tăng giá và nhu cầu năng lượng trong nước vẫn ở mức cao như hiện nay.

Đó chưa phải là tất cả thách thức với nội các của Thủ tướng Y.Noda. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) vừa cảnh báo có thể hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản nếu nền kinh tế nước này tăng trưởng thấp hơn dự kiến hoặc nợ công tiếp tục gia tăng. Trong đó xếp hạng của Nhật Bản có thể bị đánh tụt nếu tăng trưởng GDP của nước này thấp hơn mức dự đoán 1,2%. Đây sẽ là thách thức không nhỏ với Thủ tướng Y.Noda trong bối cảnh đảng Dân chủ cầm quyền không nắm đủ số ghế cần thiết để đưa ra các chính sách quan trọng tại Quốc hội, khiến quá trình hoạch định chính sách diễn ra chậm chạp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Nhật chật vật vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.