Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Nhật Bản: Nguy cơ rơi vào suy thoái

Thùy Dương| 10/01/2021 06:30

(HNM) - Sau nhiều ngày do dự, Chính phủ Nhật Bản vừa phải công bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và các vùng phụ cận nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới hằng ngày tăng cao kỷ lục. Thực trạng này được nhận định sẽ đảo ngược đà phục hồi mong manh và khiến nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số tỉnh lân cận vì các ca mắc Covid-19 không ngừng tăng.

Trên thực tế, Thủ tướng Suga Yoshihide lên nắm quyền giữa tháng 9-2020 khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai ở Nhật Bản đã tạm lắng. Sau khi nhậm chức, ông chủ trương cân bằng giữa chống dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Do vậy, chính quyền của Thủ tướng S.Yoshihide có nhiều bước đi quyết liệt nhằm vực dậy nền kinh tế như nới lỏng hạn chế về số lượng khán giả tham gia các sự kiện thể thao, giải trí; mở rộng chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel”... Các biện pháp này đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế Nhật Bản. Trong quý III - 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2019 và 5,3% so với quý trước đó. Ðây là lần đầu trong năm 2020, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại. Ðáng chú ý, tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP, tăng 4,7% so với quý trước đó sau khi giảm mạnh trong quý II-2020 do tác động của việc ban bố tình trạng khẩn cấp để khống chế dịch Covid-19.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản đã dẫn kết quả khảo sát từ 35 chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định, bức tranh kinh tế của đất nước Mặt trời mọc sẽ bừng sáng trong năm 2021 với mức tăng trưởng 3,42% khi chi tiêu của người dân tăng lên nhờ triển vọng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và việc tổ chức Olympic Tokyo vào mùa hè này.

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ ba, từ tháng 11-2020 đã làm bức tranh kinh tế của xứ sở Hoa anh đào vừa nhen nhóm gam màu sáng đã nhuốm phần ảm đạm. Nhật Bản bước vào những ngày đầu năm 2021 với các ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng. Đáng chú ý, tổng số ca nhiễm mới ở Tokyo và 3 tỉnh gồm Saitama, Chiba và Kanagawa chiếm tới hơn 50% số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc. Những người đứng đầu của thủ đô Tokyo và 3 tỉnh nêu trên đã kiến nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, cảnh báo vi rút SARS-CoV-2 có thể lây lan ra khắp cả nước nếu không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm ở khu vực đô thị. Trước tình thế đó, vào ngày 7-1, Thủ tướng S.Yoshihide phải quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, hành động được đánh giá là cần thiết lúc này.

Mặc dù nhà lãnh đạo Nhật Bản từng khẳng định, Chính phủ sẽ cố gắng hạn chế trở ngại cho các hoạt động kinh tế - xã hội bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp trong phạm vi hẹp và có trọng điểm, nhưng các nhà phân tích lo ngại những biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế.

Giới chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ đi theo mô hình chữ W, hay còn gọi là suy thoái kép. Một khi tình trạng khẩn cấp được thực hiện, tiêu dùng cá nhân, vốn là một trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và số người thất nghiệp có thể tăng thêm 147.000 người. Từ trước khi tình trạng khẩn cấp được công bố, kinh tế Nhật Bản đã được dự báo giảm tốc trong quý I-2021 do các công ty giảm đầu tư và các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng khẩn cấp sẽ làm tăng khả năng kinh tế Nhật Bản một lần nữa rơi vào tăng trưởng âm.

Có thể thấy, Nhật Bản đang đối mặt với thách thức kép nghiêm trọng. Theo đó, vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế đang trở thành hai nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ hiện nay. Ðể thực hiện điều này đòi hỏi Tokyo phải nhanh chóng, quyết liệt ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới và triển khai tiêm vắc xin phòng dịch sớm nhất có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Nhật Bản: Nguy cơ rơi vào suy thoái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.