Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Nga năm 2016: Một năm khó khăn?

Thùy Dương| 31/12/2015 07:33

(HNM) - Giá dầu thế giới lao dốc không phanh, đồng ruble giảm giá mạnh cộng thêm hàng loạt những


Ngày 29-12, đồng nội tệ của Nga tiếp tục giảm giá xuống mức thấp nhất trong năm, chỉ còn 1 USD đổi 72,85 ruble và 1 euro ăn 80,02 ruble.

Trong khi đó, giá dầu trên thị trường thế giới trong tháng 12 này, cụ thể là dầu Brent Biển Bắc đã ở mức thấp nhất trong 11 năm qua, phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế của xứ Bạch dương. Năng lượng lâu nay vẫn được coi là "trái tim" của "chú gấu" Nga nên khi giá dầu toàn cầu tuột dốc, từ 100 USD/thùng hồi đầu năm 2014 xuống còn khoảng 35 USD/thùng thời điểm cuối năm 2015, nền kinh tế Nga vốn quá phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ngày 22-11, các nhà lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến tháng 7-2016. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Mátxcơva càng khiến cho tình hình thêm trầm trọng khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính những biện pháp này có thể khiến Nga bị thiệt hại khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong trung hạn.

Trong bối cảnh này, thu nhập thực tế của người dân Nga tiếp tục sụt giảm do giá cả đang tiếp tục leo thang. Tính riêng trong tháng 12-2015, lạm phát đã đạt con số 12%. GDP giảm 4% so với năm 2014; xuất khẩu giảm 31,2% và nhập khẩu suy giảm gần 28%. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở Nga hiện lên đến 6%, theo báo cáo của Bộ Kinh tế, đồng nghĩa là hơn 4,1 triệu người lao động không có việc làm. Dự báo giá hàng hóa và thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng vì Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện các doanh nghiệp Nga đang chờ đợi quyết định của Ngân hàng trung ương về việc điều chỉnh tỷ giá lãi suất cơ bản của đồng ruble (hiện tỷ giá này là 11%). Trước đó, người đứng đầu Ngân hàng Quốc doanh Sberbank (Ngân hàng Tiết kiệm), ông German Gref, đã cảnh báo về khả năng đồng ruble tiếp tục suy yếu trong năm 2016. Theo ông G.Gref, giá dầu liên quan chặt chẽ với các chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Đồng USD sẽ tiếp tục lên giá tạo áp lực khiến giá dầu thêm tụt dốc.

Đối mặt với bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi cải thiện cơ cấu kinh tế, nâng cao công tác quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng đã ký gói chống khủng hoảng có hiệu lực từ tháng 1-2016 trị giá 2,3 nghìn tỷ ruble (30 tỷ USD) để bình ổn kinh tế nội địa.

Trong Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng 12, ông chủ Điện Kremlin đã nêu ra một số "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế, đồng thời kêu gọi đất nước sẵn sàng đối mặt với một giai đoạn giá dầu tiếp tục thấp và các biện pháp trừng phạt tăng cường. Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ tin tưởng vào nền kinh tế khi dẫn chứng sự ổn định dần dần của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời cho biết các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng quay trở lại nước Nga.

Tuy nhiên, các dấu hiệu tích cực nói trên chưa thể giúp xứ Bạch dương thoát khỏi khó khăn. Dù chính quyền Nga tuyên bố, việc đồng ruble mất giá không ảnh hưởng đến người dân vì họ có thu nhập bằng đồng ruble và chi tiêu cũng bằng đồng ruble, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng việc đồng ruble liên tục mất giá vào dịp cuối năm có thể sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Nga trong năm 2016.

Theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, chỉ có sự phục hồi giá dầu toàn cầu mới có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga, còn trong dài hạn, việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế lành mạnh hơn mới có thể tạo ra một sự khác biệt thực sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Nga năm 2016: Một năm khó khăn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.