Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Mỹ: Chưa tới điểm an toàn

Thùy Dương| 10/03/2010 06:19

(HNM) - Hơn 2 tháng đầu năm 2010, các chỉ số kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ra khỏi cơn suy thoái. Trong đó, chỉ số tín dụng người tiêu dùng tăng 2,4% từ tháng 12-2009 lên mức 2.456 tỷ USD trong tháng 1-2010.

Sun American Bank vừa vào danh sách những ngân hàng Mỹ phá sản năm 2010.


Tuy nhiên, vẫn còn không ít "chướng ngại" khiến nền kinh tế Mỹ chưa đến điểm an toàn. Đầu tháng 3 này, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) Mỹ thông báo thêm 4 ngân hàng bị đóng cửa, nâng tổng số ngân hàng bị đóng cửa trên toàn nước Mỹ từ đầu năm tới nay lên con số 26.

Trong số 4 ngân hàng trên, Sun American Bank, trụ sở tại bang Phloriđa là ngân hàng lớn nhất với tổng giá trị tài sản khoảng 535,7 triệu USD và tổng tiền gửi của khách hàng là 443,5 triệu USD. Từ góc độ vĩ mô, làn sóng phá sản của các ngân hàng vừa và nhỏ ở Mỹ hơn 60 ngày qua là hậu quả của sự tan vỡ bong bóng nhà đất, sản phẩm của khủng hoảng tài chính "trăm năm có một" vừa quét qua xứ cờ hoa.

Rõ ràng hệ lụy từ vụ phá sản (thua lỗ gần 700 tỷ USD) của Ngân hàng Lehman Brothers (tháng 9-2008) đang lặp lại ở cấp độ nhỏ hơn khi những ngân hàng này phải gánh chịu hậu quả từ các khoản vay mua bất động sản biến thành các gói trái phiếu đầy rủi ro được tung ra thị trường.

Việc thêm 4 ngân hàng bị phá sản khiến quỹ bảo hiểm của FDIC tổn thất gần 305 triệu USD. Các chuyên gia tài chính Bắc Mỹ dự báo, trong năm nay, trên 200 ngân hàng Mỹ có thể bị phá sản, nâng tổng số tiền cứu trợ mà FDIC phải chi lên gấp 10 lần số tiền cứu trợ trong cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ những năm 1980.

Điều trần trước Ủy ban Điều tra khủng hoảng tài chính của Quốc hội Mỹ cuối tháng 1-2010, Chủ tịch FDIC, bà Shila C.Baia cho rằng, nếu hệ thống tài chính và ngân hàng không được cải tổ khẩn cấp và sâu rộng, Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ mới. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timôthy Ghếtnơ nhận định, tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ (từ 8,6% đến 10,22%) trong năm nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phục hồi của nền kinh tế. Vì thế, ngày 4-3 vừa qua, với 217 phiếu thuận và 204 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tạo việc làm, dự luật đầu tiên trong hàng loạt dự luật kích thích kinh tế nhằm cố giữ cho nền kinh tế đứng vững. Trung tâm của dự luật là đề khoản chi 13 tỷ USD nhằm đẩy lùi nạn thất nghiệp bằng cách cho phép các công ty có một kỳ nghỉ kéo dài một năm và miễn 6,2% thuế bảo hiểm xã hội đối với mỗi nhân công họ thuê mà đã bị mất việc ít nhất 60 ngày. Bên cạnh đó, Tổng thống Barắc Ôbama đang nỗ lực kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật cải cách y tế nhằm đem lại bảo hiểm y tế cho 96% dân số Mỹ và thâm hụt ngân sách liên bang có thể giảm 100 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Cũng trong nỗ lực chấn hưng nền kinh tế, theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, tờ 100 USD mới sẽ "bước vào" thị trường tiền tệ quốc tế vào trung tuần tháng 4 tới nhằm ngăn chặn nạn tiền giả. Tờ 100 USD mới dự kiến được phát hành vào ngày 21-4 (giờ Mỹ).

Chính phủ Mỹ khẳng định, khi đồng tiền mới lưu hành, người dân không cần đổi tiền cũ để lấy tiền mới vì tất cả tiền tệ Mỹ vẫn có giá trị hợp pháp trong thanh toán, bất kể nó được phát hành khi nào. Trước đó, tờ 100 USD đã được thiết kế lại vào năm 1996 với các đặc tính mới nhằm chống làm giả. Theo Luật Tiền tệ năm 1928, tờ 100 USD mới sẽ tiếp tục mang chân dung Bengiamin Phranklin, một trong những người sáng lập nước Mỹ. Ở mặt sau là hình ảnh Tòa nhà Độc lập ở Philađenphia thuộc bang Pennsylvania, nơi Tuyên ngôn Độc lập được ký vào ngày 4-7-1776. Mặt sau của tờ 100 USD cũng sẽ có dòng chữ "In God We Trust" - được quy định bởi luật đối với tất cả các loại tiền ở Mỹ kể từ năm 1955.

Để thiết kế đồng 100 USD có sợi chỉ an ninh hiện đang lưu hành, Chính phủ Mỹ đã phải bỏ ra khoảng 46 triệu USD thuê Công ty Crane&Co., một công ty tại Maxachuxét sản xuất. Từ năm 2003, Mỹ đã phát hành một loạt tờ tiền mới với các mệnh giá 5, 10, 20 và 50 USD tích hợp các đặc điểm chống làm giả. Tuy nhiên, tờ 1 và 2 USD không được thiết kế lại. Tờ 100 USD là mục tiêu thường nhật của tội phạm làm tiền giả bên ngoài biên giới nước Mỹ. Đồng tiền mang hình Tổng thống Bengiamin Phranklin hiện chiếm hơn 70% trong tổng số 776 tỷ USD đang lưu hành. Theo tin từ Nhà Trắng, năm 2006, có khoảng 118,1 triệu USD tiền giả bị phát hiện, tăng 3,8% so với năm 2005. Đồng 100 USD mới là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại bọn tội phạm sản xuất tiền giả đang có các loại máy móc cực kỳ tinh vi.

Nước Mỹ hiện đang đối mặt với những thách thức khắc nghiệt nhất; triển vọng nền kinh tế phục hồi vẫn còn là một chặng dài ở phía trước. Thời gian đang là lực lượng để chính quyền Ôbama có thể thoát "bão" an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Mỹ: Chưa tới điểm an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.