Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức ngày 9/10. TS Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì Hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong giai đoạn từ năm 2007 trở lại đây, kinh tế Thủ đô Hà Nội phát triển trong bối cảnh đặc biệt, tình hình kinh tế thế giới suy thoái và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; nhiều biến động với những cơ hội và thách thức lớn đan xen phức tạp. Trong bối cảnh đó, kinh tế Hà Nội có những thành tựu và điểm sáng, song cũng bộc lộ những mặt hạn chế cần được nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo. So với 5 năm trước đây, Thủ đô Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; các nguồn lực của Thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế hàng đầu của cả nước, Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề đang cần phải giải quyết.
Hội thảo xoay quanh 3 nội dung chính: đánh giá tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn trong nước đến kinh tế Thủ đô Hà Nội; phân tích, đánh giá khách quan sự phát triển kinh tế Thủ đô Hà Nội giai đoạn 5 năm vừa qua, các thành tựu và khó khăn, thách thức; dự báo và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội nhanh, bền vững.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi và thảo luận một số vấn đề như: tác động của suy thoái kinh tế thế giới đến Việt Nam và Hà Nội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thủ đô; cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn TP; thách thức và cơ hội phát triển công nghiệp Hà Nội; xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội; đầu tư xã hội và thu hút vốn FDI vào Hà Nội...
Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân, tính bền vững và hiệu quả tăng trưởng từ 2001 đến nay của Hà Nội còn thấp và có biểu hiện giảm dần, Thành phố cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo mục tiêu bền vững, hiệu quả và vì con người. Phương thức chuyển đổi cần có sự kết hợp yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, lực lượng kinh tế tư nhân với nhà nước, cơ chế thị trường và sự điều tiết của nhà nước. Trên cơ sở đó, GS.TS Ngô Thắng Lợi đưa ra 5 nhóm giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thủ đô bao gồm: tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả đầu tư; tái cấu trúc kinh tế theo ngành; tái cấu trúc tăng trưởng theo không gian gắn liền với quá trình đô thị hóa; hoàn thiện mạng lưới khu công nghiệp trên địa bàn TP và tập trung đào tạo nguồn nhân lực.
Về thu – chi ngân sách, theo ThS. Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, việc thu ngân sách của Hà Nội hiện nay chưa bảo đảm tính bền vững. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách cũng là vấn đề phải quan tâm đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang diễn ra trên thế giới. Để cân đối thu chi ngân sách, theo ThS. Nguyễn Thị Huệ, TP cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và pháp luật sao cho khai thác tối đa nguồn thu từ các hoạt động kinh tế, bảo đảm ít lỗ hổng pháp luật nhất; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực; thực hiện các biện pháp thu thuế linh hoạt tại cơ sở…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Đây sẽ là những gợi ý quan trọng để Thành phố nghiên cứu, vận dụng một cách khoa học những giải pháp và đề xuất đã được đưa ra tại Hội thảo nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển nhanh và bền vững./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.