Theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang dẫn đầu một đoàn đại biểu kinh tế cấp cao thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong ba ngày 6-8/7.
Trong bối cảnh quan hệ kinh tế song phương Trung-Đức phát triển nhanh chóng, kinh tế được coi là nội dung trọng tâm chuyến thăm lần này của bà Merkel.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) của Đức, Sebastian Heilmann, cho rằng trọng tâm của các cuộc đối thoại trong chuyến thăm của bà Merkel sẽ là các cuộc tham vấn chính phủ dự kiến diễn ra vào tháng Mười tới, bao gồm các vấn đề từ công nghệ tới giáo dục và chương trình văn hóa. Kinh tế được coi là trọng tâm chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà Merkel dựa trên “sự cộng sinh kinh tế” đang gia tăng giữa hai nước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (áo xanh) trên xe điện thăm nhà máy ôtô FAW-Volkswagen ở tỉnh Tứ Xuyên ngày 6/7. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở châu Á và là thị trường quan trọng đối với hàng xuất khẩu của Đức.
Sự phát triển mạnh mẽ về quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Đức dựa trên thực tế hai nước này có nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau.
Theo chuyên gia Heilmann, Đức cung cấp cho Trung Quốc những sản phẩm mà nước này cần cho quá trình công nghiệp hóa như máy móc, hàng điện tử, trong khi nhu cầu hàng tiêu dùng với giá cả phải chăng của Trung Quốc ở Đức lại khá cao. Hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng không còn là một chiều. Hiện đã có rất nhiều công ty Trung Quốc tích cực đầu tư vào Đức.
Cùng tháp tùng chuyến thăm của bà Merkel tới Trung Quốc còn có một đoàn doanh nghiệp lớn của Đức, trong đó có các giám đốc điều hành của Volkswagen, Siemens, Airbus và Deutsche Bank. Một loạt các hiệp định kinh tế dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm này.
Bà Merkel bắt đầu chuyến thăm hôm 6/7 ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), nơi Đức đã mở tổng lãnh sự được 10 năm. Thành Đô được các công ty Đức coi là điểm khởi đầu của các khu vực phía Tây chưa phát triển của Trung Quốc.
Hiện có khoảng 160 công ty Đức đang hoạt động ở đây, trong số đó có nhà máy Volkswagens, nơi bà Merkel dự kiến sẽ đến thăm.
Báo chí Đức cũng lưu ý rằng Ủy ban cố vấn về kinh tế Trung-Đức mới thành lập gần đây sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên ở Bắc Kinh với sự hiện diện của bà Merkel và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường. Mục đích của Ủy ban này là nhận diện những vấn đề thương mại giữa hai nước và đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.