(HNM) - Cho dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu nhưng nền kinh tế Lục địa già đã có sự hồi phục đầy kỳ vọng trong quý III-2020. Dẫu rằng vẫn còn đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng điểm sáng này đã phát đi tín hiệu tích cực về những tiềm năng mạnh mẽ từ một trong những trụ cột của kinh tế thế giới.
Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu cho biết, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý III-2020 đã đạt 12,7% so với quý trước đó. Con số này tuy vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19. Tương tự, tăng trưởng kinh tế quý III-2020 của toàn bộ các quốc gia châu Âu cũng tăng 12,1% so với quý II-2020.
Trong số những quốc gia phục hồi ấn tượng nhất phải kể tới Đức với mức tăng 8,2%, mức cao nhất kể từ năm 1970 và cao hơn mức dự báo 7,3% của các chuyên gia kinh tế. Tương tự, mức tăng trưởng trong quý III-2020 của Tây Ban Nha là 16,7% so với quý trước, của Pháp là 18,2%.
Sự khởi sắc này được xem là kết quả của việc biên giới giữa hầu hết các nước châu Âu chính thức mở lại kể từ đầu quý III-2020, qua đó khôi phục một phần không gian tự do di chuyển Schengen vốn đã bị đóng băng trong nhiều tháng trước đó. Các chuỗi cung ứng, thương mại, tiêu dùng... dần thích ứng với trạng thái "bình thường mới", qua đó giúp một số ngành công nghiệp chủ chốt của châu Âu, đặc biệt là sản xuất ô tô, phục hồi mạnh hơn kỳ vọng. Cùng với đó, các gói hỗ trợ tài chính bắt đầu phát huy tác dụng, trong khi các nước cũng tăng chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch Covid-19, kết hợp cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tất cả những nỗ lực này góp phần tạo ra mức tăng trưởng theo quý cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1995 tại Lục địa già.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn đặt dấu hỏi, liệu sự hồi phục này có thể được nối dài trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại châu Âu. Hàng loạt các quốc gia đã áp dụng lệnh phong tỏa trên diện rộng, trong đó có cả hai nền kinh tế hàng đầu là Pháp và Đức. Đợt hạn chế mới này được dự báo có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế các quốc gia tại châu lục, nhất là với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhiều chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, tình hình tăng trưởng quý IV-2020 của các nước châu Âu sẽ khá bi đát, trong đó Pháp có thể giảm tới 4%, Đức giảm ít nhất 0,5% so với quý III-2020. Kinh tế suy yếu cũng sẽ khiến làn sóng thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào cuối năm nay khi những chương trình hỗ trợ trả lương kết thúc.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, các nước trong khu vực cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án đóng cửa nền kinh tế để chống dịch Covid-19, đồng thời cần tiếp tục chi ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình. ECB đã quyết định không thay đổi lãi suất cơ bản và khẳng định sẵn sàng tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế cần thiết để ứng phó đại dịch. Chủ tịch Christine Lagarde của ECB cũng kêu gọi Liên minh châu Âu cần sớm đạt được nhất trí, tiến tới triển khai “liều thuốc khẩn cấp” Quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro, gồm phần lớn là các khoản hỗ trợ không hoàn lại cho các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng do đại dịch.
Tuy rằng châu Âu còn đang đứng trước rất nhiều thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 mới đang bủa vây nhưng những con số về sự hồi phục ấn tượng vừa được công bố mang đến niềm tin rằng nền kinh tế châu lục vẫn có sức bật lớn. Đây là cơ sở quan trọng để một trong những trụ cột của kinh tế thế giới có thể hồi phục mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.