Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Châu Âu: Gập ghềnh lộ trình hồi phục

Quỳnh Chi| 29/12/2014 06:38

(HNM) - Năm 2014 - thời điểm đánh dấu 5 năm vật lộn với

Sản xuất công nghiệp giảm là một yếu tố ảnh hưởng tới đà phục hồi của EU.



Báo cáo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra vào những ngày cuối năm 2014 cho thấy, nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những cơn gió ngược chiều khắc nghiệt đến từ nhiều khu vực, đặc biệt là sự tăng trưởng yếu kém của kinh tế Châu Âu. Trong đó, IMF đề cập đến yếu tố suy giảm tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone); đồng thời cho rằng Eurozone khó có thể đạt mức tăng trưởng dự báo 0,8% trong năm 2014 và 1,3% trong năm 2015. Theo định chế tài chính lớn nhất thế giới, những mức dự báo trên vẫn quá cao nếu đối chiếu với các số liệu đáng thất vọng gần đây ở Eurozone, trong đó có thực trạng về nhu cầu nội địa thấp kỷ lục ở Đức - nền kinh tế đầu tàu của Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng đã lên tiếng cảnh báo, thế giới không thể trang trải cho một thập kỷ thua lỗ của Châu Âu.

Không thể phủ nhận những nỗ lực mà Cựu lục địa đã thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là ở những quốc gia phía nam được coi là mắt xích yếu của Eurozone như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia... Lộ trình cứu trợ đúng hướng cùng với thái độ nghiêm túc triển khai cam kết cải cách nền kinh tế của nhóm nước được xếp trong nhóm PIIGS (nhóm những quốc gia có nền kinh tế yếu kém nhất Châu Âu) đã đạt được những kết quả nhất định. Bồ Đào Nha đã rút khỏi chương trình cứu trợ từ tháng 5, Hy Lạp - cái nôi của khủng hoảng nợ công đang dự kiến sẽ theo bước Lisbon trong vòng 6 tháng tới.

Tuy nhiên, tổng quan kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) vẫn là bức tranh ảm đạm. Sản xuất công nghiệp và mức tiêu dùng ở các nước EU ngày một giảm. Cùng với Anh, những nền kinh tế lớn của EU là Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha vẫn chìm trong khó khăn với mức tăng trưởng rất thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục: Hơn 10% trên toàn EU, 11,5% tại Eurozone, nhất là tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Pháp và Italia còn vượt quá chỉ tiêu của EU về mức trần thâm hụt ngân sách (3%) và nợ công. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel mới đây đã thừa nhận kinh tế nước này đang gặp khó khăn về ngoại thương.

Xét về tổng thể, tăng trưởng kinh tế của Châu Âu và đặc biệt là Eurozone vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng của giới đầu tư. Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại các biện pháp trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của các thành viên sử dụng đồng euro nhất là Ba Lan, Latvia, Séc, Hà Lan, Bỉ, những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề từ lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát thấp và tình trạng thất nghiệp kéo dài cũng là những khó khăn không nhỏ đối với kinh tế Châu Âu.

Tại hội nghị thượng đỉnh mùa đông cuối cùng của năm 2014 mới diễn ra dưới sự điều hành của tân Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk và ê kíp lãnh đạo mới, EU đã nhất trí việc thành lập Quỹ Đầu tư chiến lược Châu Âu (EFSI) trị giá 315 tỷ euro với kỳ vọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của liên minh này. Tuy nhiên, cũng giống như việc thành lập các quỹ tài chính trước đây, nhiều ý kiến đang tỏ ra lo ngại, EFSI sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi trong nội bộ ngôi nhà chung 28 thành viên về mức độ đóng góp của từng quốc gia vào quỹ này. Trong khi đó, nhiều dự báo về kinh tế toàn cầu đều cho thấy, EU sẽ tiếp tục chật vật trong năm 2015 dù cho giá dầu giảm sâu có thể giúp thúc đẩy sản xuất, sức ép từ nợ nước ngoài nhẹ đi và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế ở khu vực này. Những dự báo trên cho thấy bức tranh kinh tế của Châu Âu sẽ còn những mảng màu chưa mấy tươi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Châu Âu: Gập ghềnh lộ trình hồi phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.