(HNM) - Sau khi rơi vào suy thoái kỷ lục do các biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, kinh tế Anh đã khởi sắc mạnh mẽ trong quý III-2020. Đây là dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng chưa đủ để giới phân tích lạc quan vào triển vọng thời gian tới.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III-2020 tăng trưởng kỷ lục tới 15,5% so với quý trước đó. Riêng tháng 9 với mức tăng 1,1% đã nối dài chuỗi tăng trưởng 5 tháng liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này. Đây được xem là hệ quả trực tiếp từ việc các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tiêu dùng khởi sắc.
Các trường học bước vào năm học mới không chỉ thúc đẩy mảng giáo dục mà còn tác động tích cực tới hàng loạt lĩnh vực khác giúp sản lượng trong sản xuất, xây dựng và dịch vụ đều tăng ở mức kỷ lục. Bên cạnh đó, khoản chi tiêu khẩn cấp trị giá hơn 200 tỷ bảng, cùng với chính sách cắt giảm thuế và chương trình mua trái phiếu trị giá gần 900 tỷ bảng của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tỏ rõ hiệu quả, giúp các doanh nghiệp nước này vượt qua khó khăn và phục hồi ngay khi tình hình chuyển biến tích cực trong quý vừa qua.
Tuy nhiên, những con số trên cũng cho thấy đà hồi phục chưa nhanh như kỳ vọng. Ngay trong tháng 9, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại do một số chương trình kích cầu tiêu dùng kết thúc. Đáng ngại hơn, đảo quốc Sương mù đã trở thành nước châu Âu đầu tiên có số ca tử vong do Covid-19 vượt quá 50.000 người trong khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh, buộc Thủ tướng Boris Johnson phải phong tỏa vùng England trong một tháng, tới ngày 2-12. Thực tế này khiến Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đưa ra những đánh giá thận trọng rằng tốc độ tăng trưởng sẽ còn bị kéo lùi trong quý IV-2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu rơi vào kịch bản xấu nhất, kinh tế Anh sẽ suy thoái trong ít nhất hai quý tới. BoE dự báo mức suy giảm GDP năm 2020 có thể lên tới con số kỷ lục 11%, gấp đôi so với dự báo 5,4% đưa ra hồi tháng 8. Trong khi đó, theo ONS, lượng việc làm bị cắt giảm trong quý III-2020 cũng ở mức cao kỷ lục từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Anh lên mức 4,8%, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Hai “gọng kìm” này đang dần siết chặt và trở thành nút thắt đối với chính quyền của Thủ tướng B.Johnson, đặc biệt khi mức thâm hụt ngân sách năm tài khóa 2020 được dự báo có thể lên tới 20% GDP, là mức tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Anh đang tiếp tục các nỗ lực đưa ra những biện pháp ứng phó mang tính tổng thể. Nước này đang theo đuổi tiến trình triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sớm nhất có thể, nhằm giúp người dân quay về nhịp sống bình thường, đồng thời sớm mở cửa lại nền kinh tế. Theo Thống đốc BoE Andrew Bailey, mặc dù hiện vẫn chưa có vắc xin nhưng tin tức tích cực liên quan đến lĩnh vực này đã đem đến hy vọng cho giới đầu tư và các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak khẳng định, nhà chức trách sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân, trong đó có việc gia hạn và tăng các gói hỗ trợ thu nhập, đặc biệt là cho nhóm lao động mất việc do dịch bệnh và các hộ kinh doanh gia đình. Với những nỗ lực này, kinh tế Anh được kỳ vọng có thể tăng trưởng trở lại trong năm 2021 ở mức 7%.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến đầy thách thức, sự tăng trưởng của nền kinh tế Anh là tín hiệu rất tích cực. Điều này mang đến niềm tin rằng khi đại dịch được kiểm soát trên thế giới thì phục hồi kinh tế là mục tiêu hoàn toàn khả thi, đặc biệt nếu các quốc gia có chiến lược phù hợp và cùng hợp tác để có thành quả chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.