(HNMO)- Sáng nay (3/10), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi giữa các chuyên gia và các sinh viên trường Đại học Kiến trúc về “Kinh nghiệm từ việc trùng tu và cải tạo di tích trường tiểu học Hồng Hà, 40 Lãn Ông”.
Tham dự buổi sinh hoạt có ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính – Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia; ThS-KTS Nguyễn Hoàng Phương – Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long; ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, và đông đảo sinh viên kiến trúc.
ThS-KTS Nguyễn Hoàng Phương – Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, người trực tiếp thực hiện dự án trùng tu và cải tạo di tích – Trường tiểu học Hồng Hà 40 Lãn Ông đã chia sẻ về những khó khăn trong việc trùng tu, cải tạo di tích Hội quán Phúc Kiến bởi ngay trong di tích tồn tại trường tiểu học Hồng Hà. Tổng diện tích của di tích là 1186 m2, sau khi nghiên cứu hiện trạng tổng thể, Ban quản lý đã lên phương án xác định tu bổ tôn tạo di tích theo nguyên trạng, tu bổ vào các hạng mục tại vị trí và cao độ hiện có, và được chia làm 2 phần: Phần 1: tu bổ tôn tạo di tích Hội quán Phúc Kiến; Phần 2: Cải tạo trường tiểu học Hồng Hà.
Phần tu bổ tôn tạo di tích Hội quán Phúc Kiến gồm các phần: Tu bổ tôn tạo mặt bằng theo nguyên trạng; Tu bổ Nghi môn; Tu bổ Phương đình; Tu bổ Hậu cung; Tu bổ hai bức Thanh Long – Bạch Hổ và Tu bổ hai lầu thiêu hương.
Phần cải tạo trường tiểu học Hồng Hà được chia làm 4 phần: Tôn tạo tổng mặt bằng; Cải tạo khối nhà Pháp số 1; Cải tạo khối nhà Pháp số 2; Xây khối trường học 3 tầng (trên vị trí khối nhà 3 và 4 hiện trạng); Xây mới Thư viện mở… Riêng tu bổ tôn tạo Phương Đình, tỷ lệ cũ giữ đến 90%, cái khó nhất là phải bỏ công nghiên cứu sâu, xem bỏ cái gì, xây mới cái gì để giữ lại kiến trúc Việt?
Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, để có một khu trường học khang trang sạch đẹp cho trường tiểu học Hồng Hà như hiện nay, chúng tôi đã phải dốc hết công sức và trí tuệ để vẫn đảm bảo được gần như nguyên trạng di tích, vừa xử lý tận dụng tối đa các diện tích có thể để hoàn thành khu trường mới hiện đại gồm các công năng là: 3 tầng, với các phòng học, sảnh tập trung, sân chơi cho học sinh, khu nhà ăn… được bố trí rộng rãi, thoáng mát, giao thông thuận lợi, hệ thống báo cháy tự động… dành cho các em.
Ông Phạm Tuấn Long khẳng định, việc trùng tu và cải tạo di tích trường tiểu học Hồng Hà, 40 Lãn Ông có một ý nghĩa quan trọng vì đây vừa là nơi sinh hoạt tâm linh, vừa là nơi dành cho các em học tập, vừa là một không gian rộng rãi để sinh hoạt cộng đồng cho bà con các tổ dân phố quanh khu vực. Từ kinh nghiệm thực hiện thành công dự án trùng tu di tích trường tiểu học Hồng Hà, 40 Lãn Ông, chúng tôi sẽ áp dụng cho việc thực hiện trung tu tôn tạo nhiều di tích khác trong khu phố cổ Hà Nội trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.