(HNM) - Thời gian qua, trong khi ở nhiều địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), việc huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) lấy kinh phí xây dựng NTM đều chậm và khó khăn thì ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, công tác này lại được triển khai nhanh gọn, mang lại nguồn thu lớn để xây dựng hạ tầng nông thôn.
Đấu giá đất xây dựng hạ tầng
Ngày chớm hè, con đường vào xã Nam Hồng như một công trường xây dựng, đường sá đang cải tạo, vật liệu xây dựng tập kết khắp nơi. Đứng trên con đường bê tông thẳng tắp, ông Nguyễn Văn Hợi người thôn Đoài không giấu được niềm phấn khởi cho biết: "Là xã ven đô nhưng chỉ cách đây vài năm, đường giao thông thôn Đoài vẫn chủ yếu là đường đất hoặc lát gạch cũ, ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi mù. Giờ thì đường sá khang trang rồi". Không riêng gì thôn Đoài, hơn 1 năm qua, cả 4 thôn và 1 khu dân cư của xã đều được đầu tư xây dựng hạ tầng, mang lại diện mạo mới cho làng quê.
Đường bê tông mới được xây dựng ở xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).
Khởi đầu của sự đổi thay đó là vào cuối năm 2009, khi xã Nam Hồng chọn hướng tập trung mũi nhọn vào khai thác nội lực, lấy kinh phí xây dựng nông thôn. Ông Tạ Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xuất phát là vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên việc huy động nhân dân đóng góp làm các công trình phúc lợi của xã rất khó khăn. Trong khi đó, quỹ đất công của địa phương còn rất lớn, có thể khai thác một phần để xây dựng hạ tầng. Cuối năm 2009, được sự chấp thuận của huyện, UBND xã Nam Hồng đã quy hoạch 7 điểm đất xen kẹt trong khu dân cư với diện tích hơn 5.800m2 đưa ra đấu giá, thu về gần 120 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, xã đã đầu tư hàng chục công trình như: bê tông hóa đường vào từng ngõ xóm; xây dựng nhà văn hóa các thôn; làm hạ tầng khu chuyển đổi trồng rau của thôn Vệ, đường giao thông nội đồng thôn Đìa, thôn Tằng My... Kết quả là đến nay, trong số 32km đường ngõ xóm toàn xã, tỷ lệ bê tông hóa đã đạt 82% và kế hoạch sẽ hoàn thành 100% trước quý III-2011.
Những bài học kinh nghiệm
Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Viết Khoa cho biết, việc đấu giá QSDĐ ở Nam Hồng được triển khai nhanh gọn là do địa phương đã phát huy được dân chủ. Trước khi quy hoạch điểm đấu giá, các khu xen kẹt đều được họp dân, lấy ý kiến thống nhất. Các trình tự, thủ tục đấu giá QSDĐ thực hiện theo quy định chung của Nhà nước. Nhiều vuớng mắc trong quá trình triển khai đã kịp thời được tháo gỡ. Điển hình như trường hợp 19 hộ dân sống giáp ranh với các khu đất xen kẹt đã lấn chiếm vào đất công. Sau khi được tuyên truyền, vận động các hộ đã tự nguyện trả lại đất, không phải cưỡng chế. Trong quá trình triển khai việc đấu giá QSDĐ, nhờ có sự hướng dẫn tận tình của các phòng chức năng của huyện, đặc biệt là Phòng TN-MT nên chỉ trong 6 tháng, địa phương đã hoàn thiện các trình tự, thủ tục, tiến hành đấu giá QSDĐ.
Kinh phí thu được từ đấu giá đất, huyện Đông Anh đồng ý để lại 100% cho địa phương. Để sử dụng đồng vốn hiệu quả, HĐND xã đã họp, dân chủ bàn bạc để quyết định phân bổ ngân sách đấu giá, ít nhất 10% sẽ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp như làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; 90% còn lại được đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong các thôn. Các thôn có đất công bị thu hồi để đấu giá được hưởng 70% tiền đấu giá, 30% do xã điều tiết. Quá trình triển khai xây dựng các công trình, Nam Hồng đã thành lập các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và cử đại diện nhân dân giám sát trực tiếp tại các công trình để kiểm tra chất lượng, nhờ đó không xảy ra sai sót. Ông Nguyễn Văn Để, Trưởng thôn Đoài cho biết; thôn có 2.200m2 đất xen kẹt được đấu giá, được UBND xã điều tiết về thôn 14 tỷ đồng. Thôn đã triển khai làm đường giao thông và nhà văn hóa, đến nay 97% đường giao thông thôn Đoài đã được bê tông hóa. Nhà văn hóa cũng đang được xây dựng với kinh phí 5 tỷ đồng trên diện tích 300m2, có các trang thiết bị đạt chuẩn theo tiêu chí nhà văn hóa NTM.
Mặc dù không phải là xã được chọn làm điểm xây dựng NTM, song theo kết quả rà soát hiện trạng nông thôn, Nam Hồng có 13 tiêu chí đạt tiêu chuẩn NTM, 6 tiêu chí còn lại cũng đạt ở mức cao. Hiện nay, xã Nam Hồng đã phê duyệt 22 dự án đầu tư phát triển trang trại, hình thành một số vùng sản xuất tập trung như rau an toàn, hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản… hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và sinh thái bền vững. Đồng thời, xã đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và dịch vụ, nâng cao đời sống người dân, đưa Nam Hồng sớm trở thành xã NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.