(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi người dân phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mình tiếp xúc trong cộng đồng. Chỉ khi người dân ý thức được điều này, chủ động khai báo các nguồn tiếp xúc lây nhiễm thì cuộc chiến chống dịch Covid-19 mới thực sự đem lại kết quả. Bài học kinh nghiệm này đã được chứng minh tại một số quốc gia có những ổ dịch lớn.
Thành phố Daegu với 2,5 triệu dân từ lâu đã là một trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thương sầm uất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi dịch bệnh bùng phát, thành phố này đã có tới 75% tổng số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại xứ sở Kim chi. Thống kê cho thấy, một nửa số ca nhiễm tại Daegu là các tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa, phần lớn xuất phát từ bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 31.
Theo Tiến sĩ Wang-Jun Lee, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Bệnh viện Hàn Quốc, thành công trong công tác dập dịch của quốc gia này tập trung vào 4 nhóm biện pháp. Trước hết, đó là sự minh bạch và cởi mở trong chia sẻ thông tin cập nhật qua Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, cách thức phát hiện dịch. Điều này giúp người dân không bị hoang mang, sẵn sàng cung cấp thông tin liên quan tới nguồn lây nhiễm.
Thứ đến là ngăn chặn và giảm thiểu số ổ dịch, qua đó lập phương án xét nghiệm, khoanh vùng và cách ly. Song song với việc xét nghiệm, toàn bộ trường hợp nghi nhiễm đều được theo dõi chặt chẽ qua ứng dụng di động. Những khu vực có dịch tại Daegu, chính quyền thành phố yêu cầu người dân hạn chế đi lại, cấm tụ họp và cho phép làm việc tại nhà… Những bước đi này rất quan trọng trong việc làm gián đoạn chuỗi lây lan của vi rút, cho phép hạ thấp đỉnh dịch.
Một trong những thành công của Hàn Quốc trong cuộc chiến dập tắt ổ dịch là việc điều tiết hạ tầng y tế một cách linh hoạt. Ngay khi phát hiện số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng đột biến, chính quyền thành phố đã thiết lập một hệ thống điều trị có phân loại. Theo đó, các bệnh viện lớn sẽ chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng dễ bị tổn thương, các ca nhiễm nhẹ sẽ được chuyển tới điều trị tại bệnh viện cộng đồng. Việc giảm tải cho các bệnh viện lớn không chỉ bảo đảm an toàn cho “tuyến cuối”, mà còn giúp hạn chế tỷ lệ tử vong. Tới nay, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc nói chung và Daegu nói riêng chỉ khoảng hơn 1%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Tương tự với Daegu, những gì xảy ra ở thành phố Vũ Hán - tâm dịch của Covid-19 tại Trung Quốc đem lại những kinh nghiệm về nỗ lực dập dịch trên quy mô lớn. Ổ dịch "khổng lồ” Vũ Hán đặc biệt phức tạp vì xảy ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, đồng nghĩa với việc người dân đã di chuyển khắp nơi. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lập tức phong tỏa thành phố Vũ Hán cùng 15 địa phương khác thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc huy động một lượng lớn vật tư, nhân lực từ các địa phương về dập dịch tại Vũ Hán. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã xây dựng hoàn thiện hai bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn và Hỏa Thần Sơn nhằm hạn chế việc di chuyển bệnh nhân đến các vùng khác.
Sự minh bạch thông tin cũng luôn được đề cao, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường liên tục yêu cầu người đứng đầu các địa phương không được phép che giấu các ca nhiễm mới. Vì vậy, ngay khi dịch bùng phát ở cấp độ mới, người dân Vũ Hán đã chủ động nâng cao ý thức phòng tránh lây lan dịch. Thậm chí, mỗi người dân phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mình tiếp xúc bên ngoài cộng đồng, bởi vi rút SARS-CoV-2 có thể lây lan không trừ một ai. Xuất phát từ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt từ chính phủ cộng với ý thức cảnh giác của người dân, việc khoanh vùng, dập tắt ổ dịch Vũ Hán đã phát huy rõ hiệu quả.
Có thể thấy, Daegu và Vũ Hán thực sự là những kinh nghiệm thực tiễn quý giá về công tác dập dịch. Đó là sự mạnh mẽ, quyết tâm của chính phủ và sự đồng lòng của người dân trong việc chủ động phòng tránh, khai báo các nguồn tiếp xúc lây nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.