(HNM) - Thu gom vỏ đồ uống đóng chai bằng nhựa hoặc nhôm qua máy tái chế và đặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu chung cư, rồi thu hút quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) là dự án ý tưởng kinh doanh của nhóm SV Nguyễn Thùy Trang (ĐH Lahti- Phần Lan); Bùi Thùy Dương (ĐH Kinh tế quốc dân); Phạm Cẩm Linh và Trần Ánh Nguyệt (ĐH Ngoại thương).
Dự án đã được nhóm mô tả chi tiết tại cuộc thi khởi nghiệp Kawai năm 2012 và được một số chuyên gia đánh giá ý tưởng thiết thực, vừa góp sức bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm cho SV.
Nhóm SV đã khảo sát thói quen của người tiêu dùng và nhận thấy, đa số các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng đều không được phân loại và tập kết tại bãi rác, gây lãng phí nguyên liệu có thể tái chế sử dụng. Trong khi đó, nhiều công ty sản xuất bao bì ở Việt Nam lại nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ nước ngoài, giá thành sản phẩm tăng cao. Nắm bắt thuận lợi, nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất bao bì chưa liên kết với người tiêu dùng, nên nhóm muốn tạo lập một kênh hữu ích kinh doanh thân thiện với môi trường.
Liên quan đến huy động vốn để nhập khẩu máy thu gom tái chế, nhóm SV đã có ý tưởng thành lập Công ty TNHH GreenB - tạo kênh trung gian phân phối các sản phẩm nhựa sau sử dụng từ người tiêu dùng đến các công ty tái chế trong nước thông qua hệ thống máy thu gom tự động RVM. Dự kiến tháng 12-2012, công ty đi vào hoạt động với 30 máy đặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, trường học… trên địa bàn Hà Nội.
Máy thu gom tự động RVM hoạt động giống như máy bán hàng tự động, nhưng thay việc đưa sản phẩm cho khách hàng, thì máy đưa một phiếu thanh toán trị giá tương đương với một số tiền nhất định. Như vậy, người tiêu dùng có thể bán vỏ chai đồ uống ngay tại siêu thị, trung tâm thay vì phải vứt rác, hoặc thu gom nhiều mới bán cho những người đồng nát. Trưởng nhóm Nguyễn Thùy Trang cho biết, ngoài thu mua, Công ty TNHH GreenB còn muốn trở thành một kênh quảng cáo hiệu quả đối với các nhà sản xuất. Các DN ký kết hợp đồng với công ty thu hồi lại vỏ chai, đồng thời cũng liên kết, hợp đồng quảng bá tính trách nhiệm của chính DN của họ với cộng đồng trên các máy thu gom tự động RVM. Dự kiến, với mức giá 5 triệu VND/tháng/máy với mỗi nhãn hiệu quảng cáo, sẽ là rất rẻ đối với chi phí quảng cáo khác.
Điểm ưu việt của Công ty TNHH GreenB, đó là chỉ thu lợi nhuận từ quảng cáo nhãn hàng sản phẩm của các DN, còn lợi nhuận từ giá trị vỏ lon, chai sau khi sử dụng máy thu tái chế sẽ hoàn lại cho người tiêu dùng (công ty sẽ phối hợp với các siêu thị, đồng ý quy đổi biên lai nhận được từ máy tái chế sang mặt hàng tiêu dùng có giá trị tương đương), Bùi Thùy Dương cho biết. Ngoài tạo việc làm cho khoảng hơn 20 SV hằng tháng (làm nhiệm vụ thu gom), lợi nhuận công ty sẽ được trích để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường, các cuộc thi môi trường xanh của SV các trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội.
Hiện nay, điều mong mỏi của nhóm SV là có DN đồng hành với nhóm, hỗ trợ thực hiện ý tưởng hữu ích, thân thiện với môi trường qua máy thu gom tái chế RVM bởi kinh phí mua máy rất lớn, quá khả năng tài chính hạn hẹp của các SV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.