(HNM) - Bao đời nay, đá ong xứ Đoài nói chung và xã Kim Quan nói riêng đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người khi hình dung về mảnh đất này.
Cái thứ đá lỗ chỗ, đậm màu của đất, mang hồn cốt mộc mạc đặc sắc của một vùng Đồng bằng Bắc bộ. Vậy nên, đến xã Kim Quan đúng vào mùa xây dựng, chúng tôi chợt ngỡ ngàng trước nhiều ngôi nhà với bờ tường đá ong uốn lượn quanh các con ngõ nhỏ đang dần được thay thế bằng những ngôi nhà bê tông kiên cố. Một vẻ đẹp bình dị mà vô cùng đặc sắc đang phai nhạt cùng thời gian…
Không biết loại đá này sinh ra từ đâu, có tự bao giờ, song người dân nơi đây đều biết rằng, đó là một thứ đá riêng biệt của quê hương, một thứ của "độc" mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất xứ Đoài, để rồi mỗi ngôi nhà, con ngõ cấu thành một tổng thể kiến trúc độc đáo phủ rêu xanh trường tồn với thời gian… Tất cả quyện hòa trong một không gian với sắc màu đặc trưng, tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, rất đỗi thân quen.
Thôn 3, xã Kim Quan là một trong những thôn có tỷ lệ nhà và tường rào đá ong nhiều nhất xã. Thôn có hơn 200 nóc nhà, trước năm 2000 có tới 90% được xây bằng đá ong nhưng nay phân nửa bị phá bỏ để xây mới. Ông Đỗ Văn Tọa, đang trông nom xây dựng nhà mới cho con gái tâm sự: Người già chúng tôi đã thân thuộc với từng mảng tường, con ngõ, thậm chí mỗi cái lỗ đá ong cũng hằn dấu bao kỷ niệm của tuổi thơ lam lũ, của chiến tranh khắc nghiệt, của những ngày đầu xây dựng quê hương sau chiến tranh. Và hơn hết, đó là hồn cốt, là màu sắc đặc trưng của mảnh đất này, nay thay thế tường gạch, tường rào sắt, nhà 2-3 tầng kiên cố âu cũng là điều chẳng khác được. Con cái trưởng thành, mảnh đất chia đôi chia ba, các cháu cũng cần mặt tiền để kinh doanh, buôn bán, thôi thì có vạn lý do để nhà và tường đá ong bị bỏ đi... Ông Tọa nhẩm tính, đá ong loại 1 giờ cũng 25.000 - 30.000 đồng/viên, xây một ngôi nhà đá ong đẹp, giá tiền gấp 3 lần xây bê tông cốt thép.
Mặt khác, việc khai thác đá cũng ngày càng khó khăn, vất vả, chỉ có những người già, có kinh nghiệm mới biết cách "lấy" những tấm đá ong vuông thành, đẹp, chất lượng cao mà hầu như lớp trẻ ở Kim Quan không mấy người làm được. Thực tế không chỉ những nghệ nhân làm đá ong đang ngày càng vắng bóng mà cả những dấu ấn từ đá ong trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây cũng đang mai một đi trông thấy. Khi giá trị của đá ong thay đổi, khi một mét vuông tường xây bằng đá ong tốn 1,2 - 1,4 triệu đồng, thì chỉ gia đình giàu có trong làng dám xây nhà cửa, tường bao bằng đá ong. Nhiều công trình bằng đá ong trước đây nay cũng đã bị người dân phá đi, xây mới bằng gạch ngói xi măng khang trang, hiện đại hơn. Chủ tịch UBND xã Kim Quan Đỗ Văn Hậu chia sẻ: Xã có 11 thôn thì 10 thôn có nhiều nhà và tường rào đá ong. Có nhiều ngõ, 100% nhà và tường bằng đá ong. Nhưng qua thời gian, trung bình mỗi năm có khoảng 10-15 nhà, tường đá ong bị phá đi xây lại kiểu mới. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, chỉ 15-20 năm nữa, Kim Quan sẽ hết những con ngõ, ngôi nhà được xây bằng đá ong. Xét về góc độ văn hóa, đây là điều đáng tiếc nhưng chính quyền cũng bất lực, chỉ có thể tuyên truyền vận động gìn giữ chứ không thể cấm. Mà quả thực, một ngày nào đó, những ngôi nhà, giếng nước, cầu ao, tường rào hay những bậc đá nâu sẫm màu đá ong ấm áp ở xã được thay thế hết bằng tường bê tông sơn ve sáng loáng thì thật buồn lắm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.