Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Kim cương đen" trở lại

Minh Nhật| 19/07/2010 07:50

(HNM) - Sau nhiều nỗ lực đáp ứng yêu cầu của Quy trình Kimberly (KP) - một hiệp định của Liên hợp quốc về xuất nhập khẩu kim cương giữa các quốc gia - Zimbabwe vừa được phép xuất khẩu kim cương trở lại để vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

Một lượng lớn kim cương mà quốc gia châu Phi này có thể được bán ra vào tháng 9 tới nếu như quá trình điều tra các điều kiện khai thác tại khu vực mỏ Marange thuộc miền Đông (nguyên nhân khiến Zimbabwe bị "cấm vận" xuất khẩu) được thông đồng bén giọt. Đây sẽ là một cơn địa chấn trên thị trường kim cương toàn cầu, vì quốc gia châu Phi này được cho là đang sở hữu trữ lượng kim cương lớn nhất thế giới.

Zimbabwe - quốc gia được mệnh danh là "Kim cương đen" - chỉ còn đợi cái "gật đầu" từ các chuyên gia thanh sát của KP để tung ra thị trường. Món tiền khổng lồ thu được từ giao dịch 6 triệu carat kim cương kỳ vọng sẽ cứu nền kinh tế đang ốm yếu của Zimbabwe. 

Chiếm ¼ lượng cung cho thị trường kim cương toàn cầu, nguồn thu chủ yếu của Zimbabwe bị chặn đứng từ tháng 11 năm 2009 khi việc xuất kim cương thô của nước này bị đình chỉ vì vi phạm các điều khoản của KP. Văn bản được 75 quốc gia nhập và xuất khẩu kim cương, các nhà kinh doanh đá quý và nhiều tổ chức phi chính phủ ký kết năm 2003 nhằm ngăn chặn nạn buôn bán kim cương để phục vụ cho các cuộc xung đột vũ trang.

Trên thực tế, việc khai thác kim cương tại châu Phi đã đem lại nguồn tài chính đáng kể cho các nhóm nổi loạn trong nhiều thập niên; trong khi đó, những người dân vô tội phải gánh chịu sự đày đọa từ chính nguồn tài nguyên ngay trên đất nước mình. Zimbabwe không phải là một ngoại lệ.

Kể từ năm 2006, khi kim cương được phát hiện trên cánh đồng Marange ở miền đông Zimbabwe, quân đội đã được điều tới đây, gây ra cái chết cho hàng trăm người dân. Hình ảnh các công nhân bị đánh đập trong khi phụ nữ chịu cảnh cưỡng bức và trẻ em bị ép phải lao động nặng nhọc không còn xa lạ tại các công trường kim cương ở quốc gia châu Phi này, đi ngược lại  KP được LHQ lập ra nhằm tôn vinh hoạt động khai thác, buôn bán và chế tác kim cương sạch trên toàn cầu.

Tỷ lệ nghịch với nhiều tỷ USD thu được từ việc bán đá quý, nền kinh tế của quốc gia có trữ lượng kim cương lớn của thế giới đã suy giảm theo cấp số nhân. Những bất ổn chính trị với hàng loạt cuộc tấn công bạo lực nhằm chiếm giữ các trang trại của người da trắng đã phá vỡ hoàn toàn nền kinh tế nông nghiệp từng vang bóng một thời của Zimbabwe. Do đó, việc ghi danh trở lại trên thị trường kim cương thế giới luôn được xem là sự bảo đảm duy nhất để giải phóng nền kinh tế đang rơi vào bế tắc của nước này.

Tuy nhiên, khoản tiền 1,7 tỷ USD dự tính sẽ thu về khi số kim cương trong kho dự trữ được đưa ra thị trường dường như là muối bỏ bể nếu so với khoản nợ nước ngoài lên tới 5,5 tỷ USD của Zimbabwe. Ngoài ra, việc duy trì một quy trình khai thác sạch cũng là một vấn đề không nhỏ đối với chính phủ nước này. Điều đó không chỉ là tấm giấy thông hành cho nguồn tài nguyên quý mà còn giúp xóa dần đi khái niệm "kim cương máu" từng được đề cập trong bộ phim cùng tên mà tài tử Hollywood Leonardo DiCaprio thủ vai chính. Trong đó, phần nào lột tả được sự khốc liệt của cuộc chiến kim cương tại châu Phi, nơi mỗi viên đá có ánh sáng mê hoặc được đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Kim cương đen" trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.