(HNM) - Ông Đặng Duy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết:
Thăm đảo wifi
Đảo Cô Tô nằm vững chắc nơi tiền tiêu trên biển Đông bắc của Tổ quốc có nhiều cái đặc biệt. Nơi đây là mảnh đất duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống đã cho phép dựng tượng Người. Nội dung tấm bia kỷ niệm dưới chân tượng còn ghi rõ: "8 giờ sáng ngày 9-5-1961, chiếc máy bay trực thăng đã hạ cánh nơi này, đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân đảo Cô Tô"... Bức tượng Bác hiền từ giơ cao bàn tay vẫy. Việc đầu tiên của những người đặt chân đến Cô Tô là đến thăm tượng Bác. Càng về sau người ta càng khâm phục tầm nhìn chiến lược của Người, với việc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu, vào thời điểm khi miền Bắc còn ngổn ngang trong công cuộc tái thiết đất nước, miền Nam còn đang trong những ngày gian khổ để giành độc lập hoàn toàn, thì việc Bác Hồ kính yêu gác lại bấy nhiêu lo toan bề bộn để đến đây đã khiến chúng ta lại một lần nữa càng thêm khâm phục về tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo thiên tài. Càng về sau này, chúng ta càng thấm thía Bác muốn nhắc cháu con hướng tầm nhìn ra biển Đông?
Mới đấy mà đã mấy chục năm. Trước đây, muốn ra thăm quần đảo Cô Tô là cả vấn đề nan giải, phải mất đẫy một ngày lênh đênh trên biển, thuyền mới cập bến đảo. Cô Tô thời bấy giờ vẫn còn hoang sơ, cách trở, khó khăn muôn trùng. Giờ đây đường ra đảo đã dễ dàng hơn, những chuyến tàu chợ chở hàng chạy quãng non nửa ngày là tới bến. Bất kỳ người nào cũng có thể đến Cô Tô từ bến tàu Vân Đồn. Một ngày vài chuyến ra đảo, dễ hơn cả mua vé ô tô. Khách du lịch chỉ mất hơn một giờ ngồi trên tàu cao tốc êm ru đã có thể đặt chân lên quần đảo xinh đẹp giữa biển khơi.
Một ngày tháng 4, chúng tôi có mặt ở bến tàu Vân Đồn, lẫn trong đoàn khách ra đảo gồm toàn thanh niên và khách du lịch nước ngoài là một vị chỉn chu với sơ mi cắm thùng, cravate nghiêm chỉnh. Ngay từ bến tàu, nhiều người nhận ra vị khách "đặc biệt" này và đều gật đầu "chào ông chủ tịch" bằng tình cảm mến yêu. Nhanh chân tìm chỗ ngồi cạnh vị khách đặc biệt này trên chiếc tàu người kín như nêm, được biết, đó chính là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô Nguyễn Đức Thành. Biết chúng tôi là PV ra đảo khám phá tuyến du lịch mới, ông Thành hào hứng hẳn lên, bật máy tính xách tay có kết nối internet bằng USB 3G và nói về hòn đảo của mình. Cô Tô bây giờ không còn là một trong những hòn đảo xa đất liền nhất trong Vịnh Bắc bộ nữa. Dẫu nằm chơi vơi giữa bốn bề sóng nước mênh mông nhưng khoảng cách đã được nối liền nhờ những chuyến tàu tấp nập suốt ngày đêm, nhờ điện thoại di động và cả internet. Thị trấn Cô Tô cũng sầm uất và đông đúc không kém một thị trấn trong đất liền. Cảm nhận khác biệt ở đây chính là không khí trong lành, sạch sẽ trên từng dãy phố dọc ngang đã được trải bê tông phẳng mịn.
Ấn tượng nhất khi đặt chân tới Cô Tô là toàn đảo đã được phủ sóng wifi, cho phép vào internet ở bất kỳ nơi đâu trong thị trấn. Sáng kiến độc đáo này hóa ra
xuất phát từ người "thuyền trưởng", Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Đức Thành. Sau nhiều lần đi tập huấn trên tỉnh về nâng cao trình độ phổ cập internet cho cán bộ, ông Thành đã có sáng kiến đưa công nghệ về đảo quê hương để người dân đảo không bị lạc hậu về thông tin so với đất liền. Ban đầu cũng phải mày mò tìm hiểu với nhiều dự án, ông Thành trăn trở vô cùng, đi đâu cũng kè kè chiếc máy tính xách tay. Trong một lần đi tham quan khu du lịch Đại Nam mãi tận Bình Dương, thấy người ta phủ sóng internet bằng công nghệ wifi, "sướng quá", ông Thành quyết tìm bằng được người quản lý khu du lịch để học hỏi. Sau chuyến đi một ngày đàng học một sàng khôn đó, về đảo quê hương, ông Chủ tịch đã quyết định vừa làm vừa mày mò, đầu tư một khoản kinh phí lớn để Cô Tô có được tầm vóc là hòn đảo phủ sóng wifi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Sáng kiến này của Cô Tô đã được tỉnh Quảng Ninh áp dụng để chào đón mùa du lịch 2012 bằng việc cho phủ sóng wifi toàn thành phố Hạ Long đúng vào dịp lễ 30-4 và 1-5 này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu cho biết: "Mô hình phủ sóng wifi toàn đảo Cô Tô là sáng kiến để chúng tôi tiến hành nhân rộng ở TP Hạ Long đúng vào mùa du lịch 2012 khi Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, không những để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, mến khách mà còn để nối liền khoảng cách những giá trị vật chất, tinh thần của Quảng Ninh tới bạn bè năm châu". Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu, mô hình hòn đảo wifi Cô Tô nói riêng và việc đưa vào hoạt động hệ thống wifi trên địa bàn TP Hạ Long một mặt đáp ứng nhu cầu sử dụng, truy cập internet của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và du khách.
Những người tiên phong xây dựng đảo
Cách đây gần 20 năm, vợ chồng ngư dân tên là Tảnh ở Hà Tĩnh tình cờ ghé qua đảo Cô Tô tránh bão trên một con thuyền rách nát. Sau trận bão định mệnh đó, mến cảnh, sinh tình vợ chồng đã xin phép chính quyền địa phương được ở lại sinh cơ, lập nghiệp. Đúng là trời không phụ công người, biển rộng lòng đãi người có tâm, có chí, sau nhiều năm lăn lộn, cơ ngơi vợ chồng ông Tảnh đã vững vàng ở khu phố 3 thị trấn Cô Tô. Năm người con của cặp vợ chồng ngư dân ấy cũng lần lượt sinh ra trên đảo Cô Tô. Gặp chúng tôi trong một chiều đánh lưới về, ông Tảnh tự hào khoe về cậu cả đi bộ đội hiện đóng quân tại Vũng Tàu, các em trai cũng theo gương anh trở thành người chiến sỹ ngày đêm cầm súng canh gác biên cương, biển đảo. Còn cô con gái út vừa lập gia đình đang là dược sĩ ngoài Vân Đồn. Cả hai vợ chồng cô út cũng đều là cán bộ trẻ đầy năng lực, tình nguyện ra xây dựng huyện đảo. Cũng như hộ ông Tảnh, nhiều gia đình ở mọi miền Tổ quốc ra Cô Tô lập nghiệp đều có được cuộc sống sung túc.
Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành sẵn sàng mở máy tính bất cứ lúc nào. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.