(HNM) - Từ Đồn Biên phòng Lũng Cú (đứng chân tại xã Ma Lé) lên cột mốc 17 (thôn Séo Lủng) chừng hơn chục cây số. Giờ đây xe ô tô có thể phóng một mạch đưa khách lên tận chân núi Rồng để trèo 269 bậc đá lên đến chân cột cờ Lũng Cú.
Chợt nhớ trong chuyến công tác cách đây gần chục năm, tôi đã gặp Đại tá Sùng Thìn Cò, người dân tộc Mông, Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang. Tôi nhớ mãi câu nói đầy hình ảnh của anh: Lũng Cú là vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc. Trọng trách của lính biên phòng chúng tôi là giữ cho nóc nhà luôn bền vững, để vầng trán của Tổ quốc mình luôn kiêu hãnh...
Cột cờ Lũng Cú trên “nóc nhà vĩ đại” của Tổ quốc. |
Nghe chàng trai người Mông kể chuyện
Dưới chân núi Rồng (thuộc thôn Thèn Tả) là Trạm kiểm soát biên phòng Lũng Cú (một trong ba trạm của Đồn) đảm nhận trọng trách bảo vệ cột cờ Tổ quốc. Trạm trưởng trạm Lũng Cú, Trung úy Ly Mí Dình, người dân tộc Mông đã giúp chúng tôi lên đỉnh núi Rồng. Lúc được giang tay ôm cột mốc biên cương, chạm vào “nóc nhà vĩ đại” và thỏa thê ngắm lá cờ Tổ quốc rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất Việt Nam kiêu hãnh tung bay trước bão tuyết mưa sa, cảm giác thật bồi hồi, sung sướng!
Ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển, cột cờ Lũng Cú tôn nghiêm và đường bệ như một pháo đài vĩnh cửu. Đúng là “nóc nhà vĩ đại” của Tổ quốc! Tôi nhớ như in lời giới thiệu của Trạm trưởng Ly Mí Dình và hình dung: Từ xóm Séo Lủng (bên phải giáp đầu nguồn sông Nho Quế chảy từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc sang; bên trái là thung lũng Thèn Ván) đến xóm Cẳng Tằng sẽ qua khu vực Tò Mông. Nhìn trên bản đồ hình chữ S ở điểm đầu Tổ quốc sẽ thấy giống như đỉnh của tam giác hoặc giống như nóc nhà - đấy chính là điểm nhô ra xa nhất của cực Bắc.
“Nơi đặt chiếc trống của vua Quang Trung ngày xưa, bây giờ chính là Trạm của chúng em đấy!”- Dình tự hào khoe. Ba năm công tác ở Lũng Cú là ba cái tết Dình được thưởng thức âm thanh của tiếng trống hội, được say trong vũ điệu mừng Tết đến Xuân về của già trẻ, gái trai người Lô Lô và được ăn cỗ với người Mông. Bộ đội biên phòng không phải là khách mà được xem như người thân của gần 800 hộ dân đang sinh sống ở 9 xóm trong xã Lũng Cú này.
Sinh năm 1981 ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, nhưng Ly Mí Dình đã có 8 năm quân ngũ, trong đó gần 3 năm làm Trạm trưởng trạm Lũng Cú. Bên trong vẻ đẹp trai hiền lành, nụ cười cởi mở là sự trầm tĩnh, chắc chắn và phong thái đĩnh đạc đầy thuyết phục của chàng trai trẻ. Là người dân tộc Mông nên Ly Mí Dình am hiểu tập quán, phong tục của đồng bào. Anh dạy cho đồng đội nói tiếng của dân tộc mình; anh còn tự học thêm tiếng Lô Lô, chỉ bởi “đã sống và làm việc ở đâu thì phải hiểu và nói được tiếng của người dân ở đó. Có thế thì công việc mới thuận lợi được. Bộ đội biên phòng được người dân ở đây quý mến chính vì ai cũng có thể nói và hiểu được tiếng địa phương, cởi mở và thân thiện”. Có lẽ vì thế nên việc tham gia sinh hoạt chi bộ, đóng góp xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa bàn ổn định, chính quyền địa phương vững mạnh mà những người lính quân hàm xanh đã đóng góp, thật sự đặt dấu ấn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Lũng Cú.
Để đi hết mười sáu cây số đường biên giới với 11 cột mốc thuộc trách nhiệm tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới có khi hết hàng nửa tháng trời, vậy nhưng cả những bản xa nhất như Sán Chồ, Xín Mần Kha, Cẳng Tằng… vẫn in dấu chân Dình và những người lính biên phòng. Có Di sản quốc gia cột cờ Lũng Cú; có Làng văn hóa Lô Lô Chải và hồ Lô Lô thơ mộng, hằng năm xã Lũng Cú đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch. Thế mạnh đó đang và sẽ được khai thác, nhưng đồng thời nhiệm vụ bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia, trật tự xã hội của những người lính biên phòng vì thế càng được xem trọng...
Giữ “vầng trán kiêu hãnh”
Cuộc gặp gỡ với Trung tá Vũ Ngọc Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú và bữa cơm thân mật giữa những người làm báo Thủ đô với các chiến sỹ biên phòng thật khó quên. Quê Thanh Liêm (Hà Nam) nhưng Vũ Ngọc Lâm đã công tác ở Hà Giang mấy chục năm; hơn thế, nói như anh thì sẽ ở đời ở kiếp với huyện cao nguyên đá đầy nắng và gió này vì có “hậu phương” vững chắc ở thị trấn Đồng Văn. Qua câu chuyện của anh, được biết lính biên phòng người Thủ đô công tác ở Hà Giang không ít. Vũ Danh Lợi từng nhiều năm đóng quân ở Lũng Cú, hiện anh đang công tác tại Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Nguyễn Hữu Nam (quê huyện Ba Vì) đang công tác tại Trạm Kiểm soát biên phòng Mã Lủng Kha, thuộc xã Ma Lé…
Hương thơm nồng nàn của rượu ngô men lá do người Mông trồng khắp thung lũng Thèn Ván, được chưng cất theo cách riêng của lính biên phòng, thêm thăng hoa trong tình cảm thân tình, ấm cúng và cởi mở… Để chúng tôi biết rằng, Đồn Biên phòng Lũng Cú làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc gồm các xã Lũng Cú, Ma Lé của huyện Đồng Văn với 27,5km đường biên giới, trong đó gần 13km đường biên giới trên sông Nho Quế. Gần 1.560 hộ người dân tộc Mông, Pu Péo, Lô Lô sống ở 21 thôn bản (trong đó có 13 thôn bản giáp biên). Xóm xa nhất là Xín Mần Kha (xã Lũng Cú), Mã Lầu A, Mã Lầu B (xã Ma Lé) cách Đồn Biên phòng gần ba chục cây số và cũng là những địa phương khó khăn hơn cả. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng, các anh còn tham gia xóa đói giảm nghèo. Năm 2010 và ba tháng đầu năm 2011, Đồn Biên phòng đã xóa nhà xuống cấp cho 7 hộ nghèo (riêng trạm Lũng Cú 5 nhà), xây dựng một công trình dân sinh - sân chơi cho học sinh điểm trường Sáy Sà Phìn - Lũng Cú…
Nói như Chính trị viên Vũ Ngọc Lâm thì lội bộ hàng chục cây số, ngày đêm xuyên rừng, hoặc bươn bải qua những nơi cheo leo nhất trên cao nguyên đá đến độ “chân cứng, đá mềm”, cũng chưa phải là khó khăn nhất đối với người lính biên phòng. Và nếu trước đây, chuyện xâm canh xâm cư thường diễn biến phức tạp do việc cắm mốc đường biên chưa rõ ràng, thì nay đã bớt. Nhưng khó là ở chỗ, bảo đảm an ninh trật tự thôn bản, phòng, chống tệ nạn xã hội như thế nào, bởi các hoạt động móc nối đường biên, đặc biệt là nạn buôn bán người và bắt cóc trẻ em xảy ra nhiều và thường xuyên hơn. Vừa làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ cột cờ Lũng Cú, vừa xây dựng cơ sở chính trị - theo Trung tá Vũ Ngọc Lâm đó mới là vấn đề cốt yếu để “giữ yên giang sơn, bờ cõi”. Đồn đã tổ chức ở mỗi xã một trạm công tác biên phòng bám bản, cùng dân đi làm nương, cùng công an và dân quân các xã tuần tra kiểm soát, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, giải quyết các vụ việc xảy ra, giữ cho biên cương luôn bình yên.
Tôi bỗng nhớ lời Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Lý Trung Kiên nói khi biết chúng tôi ngược Lũng Cú: Bộ đội biên phòng được dân bản coi như những đứa con của họ rồi. Chị cho rằng, trong cuộc mưu sinh của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Đồng Văn đều có dấu ấn sâu đậm và nghĩa tình của những chiến sỹ biên phòng. Trong niềm vinh quang thầm lặng đó, các anh đã làm tròn trọng trách lớn lao, bảo vệ, giữ gìn “phên giậu” Tổ quốc ở mỏm cực Bắc này.
“…núm ruột hồng vượt lên đá, nở hoa”
Con đường từ Lũng Cú về Hà Giang như xuyên qua núi đá trùng trùng điệp điệp. Gió cao nguyên thổi tung những bông tuyết bay trong không gian tựa hồ những mảnh cô hồn phiêu diêu rồi tan trong đám mây bảng lảng. Thiên nhiên kỳ vĩ và ngoạn mục lộ dần. Đá chồng lên đá, kề nhau lớp lớp, tròn đầy như mâm xôi. Dưới chân núi, là thung lũng bời bời ruộng bậc thang tựa như cung bậc của cây đàn - thành quả của đời nối đời các thế hệ người Mông, người Pu Péo, người Lô Lô, người Dao ở Đồng Văn đã tảo tần bê từng phiến đá kê thành bờ ruộng thẳng như kẻ chỉ để ngăn nước mà làm cuộc hành trình vượt cạn để mưu sinh. Cho nên, nó mang màu của sự sống!
“Muốn nên người thì núm ruột hồng phải vượt lên đá, nở thành hoa…”.
Lời ca ấy người mẹ Mông ru con từ thuở lọt lòng như một chân lý sống. Để rồi từ chính nghị lực, ý chí và niềm tin mãnh liệt ấy đã giúp Lũng Cú vượt qua thử thách nghiệt ngã của cao nguyên đá đầy nắng, đầy gió mà trụ vững và phát triển. Trong cuộc mưu sinh, có ai đong đếm được vị mặn mòi của mồ hôi nhọc nhằn chảy xuống những khe đá lạnh lùng và trên những chân ruộng bậc thang để đổi lấy màu xanh của sự sống? Nhưng trong mỗi bước gian nan ấy, đồng bào vùng biên ải luôn có thêm niềm tin từ sự sẻ chia của bộ đội biên phòng.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ cái khoát tay khỏe khoắn của Ly Mí Dình lúc đã leo lên đến chân cột cờ: “Chị nhìn nhé, phía bên kia sông Nho Quế là xã Man Pho của Trung Quốc; bên này sông là “phên giậu” của đất nước mình. Và đây, khắp chung quanh núi Rồng là cánh rừng thông, rừng pơmu trải rộng - chính là thành quả mà Đồn Biên phòng Lũng Cú trong nhiều năm qua đã tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đấy!”. Trong lộng gió cao nguyên, trong cái lạnh tê tái của âm độ, nụ cười hiền hậu, khoáng đạt và phong thái tự tin của chàng trai người Mông khiến lòng tôi trở nên ấm áp. Chợt thấy, sau tuyết rơi và sương giá tái tê, mùa xuân đang khoác lên Lũng Cú tấm áo mới. Cây lê, cây mận nở bung nốt những bông hoa trắng muốt, nhường cho lớp lớp quả non phơi ra đón lấy nắng và gió. Rừng thông trỗi dậy cùng vô số chồi non…
Lũng Cú hiên ngang và mãnh liệt! Lũng Cú - “nóc nhà vĩ đại”, “vầng trán kiêu hãnh” của Tổ quốc! Trên bầu trời bao la, lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay - biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước, của sức mạnh và niềm tự hào dân tộc. Đó như một điểm tựa, một pháo đài vững chắc giữ cho giang sơn Tổ quốc bình yên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.