(HNM) - Ngày 7-9 vừa qua, Hội nghị biểu dương những cá nhân tiêu biểu trong chống tham nhũng đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị này không chỉ lớn nhất về quy mô từ trước tới nay, mà nó còn thể hiện rõ quyết tâm tẩy trừ vấn nạn tham nhũng.
Thành phần tham dự chủ yếu là các cựu chiến binh, các đảng viên lão thành. Điều này cho thấy sức mạnh, sự kiên trì của những thế hệ đi trước trong việc bảo vệ thành quả cách mạng, đồng thời cũng cho thấy công tác giáo dục, bồi dưỡng những thế hệ kế tiếp còn thiếu sót.
Những người tham gia tố giác, chống tham nhũng, dù đó là tổng giám đốc một công ty lớn gắn liền với cuộc sống của hàng nghìn người lao động ở Hải Phòng hay những nông dân một xã nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh; là bí thư Đảng ủy một phường ở Thủ đô hay thủ quỹ của một công ty ở thành phố Cần Thơ… tất cả đều phải hết sức dũng cảm, kiên trì, không khoan nhượng mới có thể bước chân vào con đường gian khổ này, con đường xây dựng sự trong sạch, lành mạnh cho xã hội, mang lại hạnh phúc cho mình, cho con cháu, cho xã hội, cho một đất nước bình yên và tốt đẹp.
Con đường đó dài hay ngắn? Từ phường Nghĩa Đô tới trung tâm Thủ đô cả đi về chưa đến 40km mà ông bí thư phường phải mất 506 ngày mới tới đích! Mà tới đích rồi chưa thể nói là đã chiến thắng cuối cùng.
Vì sao? Vì "sờ được gáy" tham nhũng không dễ.
Theo quy định, ngoài Thanh tra Chính phủ, tất cả các cấp thanh tra địa phương và ngành, mỗi khi muốn thanh tra đột xuất đều phải đề nghị và được phép của người đứng đầu địa phương, ngành mới được thực hiện. Thủ trưởng có thể nghiêm túc, nhưng cấp dưới, những người được phép tiếp cận thông tin, liệu có phải tất cả đều đáng tin cậy? Và vì thế, nếu tin "đột xuất" lọt ra ngoài thì hiệu quả thanh tra sẽ khác. Và mọi thông tin tố cáo tham nhũng sẽ phản tác dụng, nhất là đối với người tố cáo.
Nhưng ngay cả Thanh tra Chính phủ - cấp thanh tra cao nhất - cũng không phải đã có "Thượng phương bảo kiếm" thì làm sao thanh tra các cấp có thể làm khác được!
Tham nhũng chỉ có thể bị đẩy lùi nếu cuộc đấu tranh có đủ ba chân kiềng vững chắc: Lập pháp, tư pháp và sự giám sát của nhân dân.
Luật pháp rõ ràng, nghiêm minh là nền tảng; hành pháp dứt khoát, không khoan nhượng là sức mạnh và từ nền tảng đó, sức mạnh đó, tác dụng của quần chúng mới được phát huy mạnh mẽ và hiệu quả.
Chống nạn tham nhũng là một cuộc cách mạng bảo vệ chính quyền theo đúng nghĩa những thế hệ mở nước đã dạy - giành chính quyền không dễ, bảo vệ chính quyền còn khó hơn!
Kiềng vững phải có ba chân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.