(HNM) - Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa công bố Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam (KTX) lần 2 năm 2014, đồng thời phát động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2014 với nhiều đổi mới.
Các hoạt động này diễn ra trước thềm kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4. Từ góc nhìn cả hai sự kiện này, có thể thấy một điểm chung là kiến trúc hiện đại càng ngày càng phải lấy con người làm trung tâm và phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu đa dạng của xã hội.
Một góc khu nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá II (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Xanh không phải là mốt
Cùng với xu thế chung của thế giới, khái niệm "kiến trúc xanh" ngày một được nhắc đến nhiều hơn trong đời sống kiến trúc nước ta những năm gần đây. Năm 2013, lần đầu tiên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố 5 tiêu chí KTX Việt Nam với tinh thần kêu gọi cộng đồng cùng hướng tới cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, môi trường, lấy con người là trọng tâm… và không đi quá sâu vào các yếu tố đo đạc, tính toán về số liệu kỹ thuật.
Cùng với các tổ chức khác trong nước và quốc tế hoạt động về lĩnh vực này, Giải thưởng KTX của Hội bắt đầu thu hút nhiều hơn sự chú ý của chủ đầu tư, các kiến trúc sư và cả người dân. Thậm chí, tại thành phố du lịch Đà Lạt, chủ nhân một công trình đoạt giải thưởng KTX Việt Nam còn tuyên bố từ sau khi treo biển công trình KTX, doanh thu của đơn vị này đã tăng lên 20%.
Tuy nhiên, để KTX không phải là "mốt" nhằm đánh bóng tên tuổi các chủ đầu tư hoặc thỏa mãn một thú chơi kiểu thời thượng thì giải thưởng cũng như cách đánh giá này đòi hỏi sự thiết thực và khả năng tác động ngược trở lại với đời sống.
Có một điểm đáng chú ý là Giải thưởng KTX lần 2 vừa qua lần đầu tiên được trao cho một công trình là trụ sở cơ quan - Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng. Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, với cách tiếp cận thân thiện với thiên nhiên và con người, công trình này đẹp một cách bình dị, vừa có tính dân tộc vừa gần gũi với nhân dân.
Phải nói, việc Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải KTX cho một công trình trụ sở cơ quan không chỉ là một phát hiện của người tổ chức giải mà điều này còn mang ý nghĩa khuyến khích, cổ vũ một xu hướng rất đáng phát triển trong đời sống kiến trúc ở ta. Bởi lẽ, cách đây vài năm, giới kiến trúc từng tổ chức hội thảo quy mô toàn quốc về câu chuyện này, trong đó đa số tham luận đều dẫn chứng một thực tế đáng buồn là công trình trụ sở trên khắp cả nước đều thiếu bản sắc dân tộc, thậm chí Á - Âu lẫn lộn, na ná giống nhau và đặc biệt là chưa tạo sự thân thiện với con người.
Kiến trúc về bản chất là phục vụ cuộc sống con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng không phải khi nào nó cũng được thực hiện với mục tiêu như vậy. Một ghi nhận khác của Giải thưởng KTX năm nay là đã trao thưởng cho khu nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá II. Không thuộc hàng resort cao cấp, không phải những khu đô thị lớn được quảng cáo rầm rộ, Đặng Xá II được trao giải vì chủ đầu tư đã dành đất cũng như có giải pháp quy hoạch tính đến những nhu cầu sinh hoạt công cộng cho người dân có thu nhập thấp, như vườn hoa, sân chơi…
Nói một cách ngắn gọn, như Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nêu thì yếu tố nhân văn là yếu tố đặc biệt được chú trọng trong Giải thưởng KTX. Vì thế, công trình xanh không chỉ giải quyết tốt mối quan hệ với người dân đến ở mà còn phải hài hòa quyền lợi của người dân liên quan tới dự án, hoặc ở vùng lân cận.
Tránh "cạnh tranh không cân sức"
Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2014 đánh dấu 20 năm với 10 kỳ giải thưởng của sinh hoạt nghề nghiệp đáng chú ý này. Vì vậy, những đổi mới về một loạt nội dung liên quan giải được xem như một động thái tất yếu nhằm nâng cao vị thế giải thưởng, đồng thời thúc đẩy kiến trúc phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của người dân.
Ngoài chuyện tinh giản Hội đồng giải thưởng, đẩy mạnh truyền thông, chủ động tìm người trao giải thay vì chỉ ngồi đợi, một sự đổi mới đáng kể nữa là thay đổi cơ cấu giải. Nếu như trước đây, các hạng mục cùng đứng chung một sân thi đấu thì nay được xét riêng, tránh tình trạng "cạnh tranh không cân sức". Với những đổi mới này, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia từ năm 2014 trở đi sẽ được trao cho các nhóm Kiến trúc nhà ở (nhà ở nông thôn, nhà ở đơn lập, nhà ở tổ hợp); Công trình công cộng (công trình thương mại,
trụ sở; công trình khách sạn, nghỉ dưỡng; trường học, bệnh viện; công trình thể thao - văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng; công trình đặc biệt như nhà ga, cầu, sân bay…)… Ngoài ra, các công trình công nghiệp hay công trình thiết kế nội ngoại thất; thiết kế đô thị, cảnh quan; tác phẩm kiến trúc xuất sắc tại Việt Nam của KTS nước ngoài… cũng được xét giải riêng.
Như vậy, nói như KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam thì số lượng giải nhất sẽ nhiều lên, khoảng 17 giải nhưng các công trình hạn chế về quy mô như nhà ở nông thôn sẽ không còn lo bị lép vế với các công trình thương mại bề thế… Qua đây Giải thưởng Kiến trúc quốc gia cũng hy vọng sẽ đáp ứng nhiều lĩnh vực hành nghề của KTS, đồng thời phát huy và khuyến khích tối đa hoạt động của KTS ở các địa phương.
Giải thưởng với nhiều nét đổi mới này cũng sẽ là thông điệp gửi tới mỗi KTS, chủ đầu tư và mỗi người dân về sự cần thiết phải chăm lo cho môi trường sống của mình bắt đầu từ ngôi nhà, đến vỉa hè, khu dân cư mà ta sinh sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.