Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì vượt khó

Võ Lâm| 19/03/2012 06:56

(HNM) - Những dự báo về khó khăn của năm 2012 đã bộc lộ rõ trong thời gian qua. Kết quả phát triển KT-XH của TP Hà Nội 3 tháng đầu năm làm cho chúng ta vừa mừng, vừa lo.

* Hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước
* Xuất khẩu trong quý I giảm 2,8% so với quý I năm 2011

(HNM) - Những dự báo về khó khăn của năm 2012 đã bộc lộ rõ trong thời gian qua. Kết quả phát triển KT-XH của TP Hà Nội 3 tháng đầu năm làm cho chúng ta vừa mừng, vừa lo. Bên cạnh xu hướng ổn định của ngành tài chính - ngân hàng, các DN sản xuất kinh doanh đã thực sự trải qua những ngày tháng sàng lọc đầy thử thách.

Thử thách đầu năm

UBND TP Hà Nội vừa họp tập thể để phân tích tình hình KT-XH tháng 3 và 3 tháng đầu năm để tìm ra các giải pháp cho phần còn lại của năm 2012. Thông tin gây chú ý đầu tiên là các ngành kinh tế chính của TP đã có 3 tháng khởi động hết sức khó khăn, hầu hết có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, cá biệt có những chỉ số giảm. 3 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng TP tăng 7,9%, dịch vụ tăng 7,8% và nông - lâm - thủy sản giảm tới 2,9%. Tính chung, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP quý I chỉ tăng 7,3%. Các chỉ số hoạt động thương mại cũng tăng thấp hơn năm 2011, trong đó tổng mức bán lẻ tăng 18,2% (năm 2010 và 2011 đều tăng 26,5%), thậm chí mức tăng thực tế chỉ là 2% nếu trừ đi các yếu tố tăng giá. Sức mua của nền kinh tế giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại.

Mayt áo sơ mi xuất khẩu tại Cty CP May 10. Ảnh: như ý


Xuất khẩu quý I cũng giảm 2,8% so với cùng kỳ. Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng, xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cà phê, rau là những sản phẩm giảm chính. Trong khi đó, ngành dệt may vốn có rất nhiều thuận lợi về xuất khẩu cũng đang chịu tác động mạnh vì sức mua thế giới bị giảm sút. 3 tháng đầu năm, tại Hà Nội, thông thường các DN ngành này đã ký đủ hợp đồng sản xuất cho cả năm, nhưng năm nay có những DN chỉ ký được khối lượng hợp đồng tương đương với 10% dự kiến xuất khẩu cả năm. Đây là một trong những áp lực chính mà theo ông Lê Hồng Thăng, cộng đồng DN đang phải chịu đựng. Bên cạnh đó là áp lực đầu tư vốn cho chu kỳ sản xuất mới. "Nhiều DN không dám nghĩ đến mở rộng sản xuất, chỉ mong duy trì nhịp độ sản xuất bình thường để giữ chân người lao động cũng rất khó khăn. Hiện nay có những DN xây lắp không cầm chừng được nữa, lúc đầu cố giữ chân thợ bậc cao, cán bộ kỹ thuật, nhưng rồi cũng không giữ được" - ông Lê Hồng Thăng cho biết.

Theo số liệu do Giám đốc Sở KHĐT Ngô Văn Quý cung cấp, hiện nay, toàn TP có 88.391 DN đang thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng cũng có đến 34.057 DN khác không thực hiện nghĩa vụ này và 27.495 DN không hoạt động. Bỏ qua yếu tố "té nước theo mưa" (thấy DN khác khó khăn, "mình cũng giả vờ ốm"), các DN trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang trải qua cuộc sàng lọc về sức khỏe thực sự gay gắt nếu không muốn nói là khốc liệt. Một số ý kiến cho rằng, đây cũng là một trong những điểm tích cực trong bối cảnh hiện nay, những DN đủ sức vượt qua sẽ trở nên mạnh mẽ thực sự, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế.

Kiên trì các giải pháp hiện tại

Mặc dù kết quả tăng trưởng kinh tế không đạt như mong muốn, nhưng xu hướng ổn định, tích cực đang hiện hữu ngày càng rõ nét, đặc biệt là về tài chính - ngân hàng, chỉ số giá tiêu dùng. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, toàn TP có 391 tổ chức tín dụng phải báo cáo hoạt động thì hiện nay không có tổ chức nào bị tình trạng "căng thẳng", kể cả quỹ tín dụng nhân dân. Trước Tết có 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay đã trả lại hết. Các ngân hàng đang có xu hướng giảm lãi suất, trong đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất đã có 8 ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay xuống còn 15%. Không những thế, ngay cả khi lãi suất giảm, dòng tiền người dân gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn gia tăng. Xu hướng này đã được thể hiện trong suốt 3 tháng đầu năm, tính ra đã tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Có ngày cao điểm, các tổ chức tín dụng thu hút lượng tiền gửi lên tới 2.300 tỷ đồng, bằng cả quý hoạt động của một số ngân hàng.

Lắp ráp xe đạp xuất khẩu tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thống Nhất. Ảnh: Huyền Linh

Trong khi đó, sau 2 tháng đầu năm có mức tăng khá cao, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đã tăng thấp trở lại với 0,2-0,25 so với tháng 2, đưa chỉ số giá tiêu dùng tháng ba ước tăng 2,62-2,68% so với tháng 12-2011. So với cả nước, mức tăng này cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát đang được thực hiện có hiệu quả (CPI cả nước tháng 2 so với tháng 12-2011 tăng 2,38%). Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội Nguyễn Thành Công cho biết, mặc dù xuất khẩu giảm, nhưng nhập siêu quý I cũng giảm, ở một khía cạnh nhất định đây là điều đáng mừng.


Tình hình KT-XH quý I cũng cho thấy chính sách phí đối với phương tiện giao thông với mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, mặc dù có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng đã có tác dụng trông thấy. Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn, thuế trước bạ ước thu 3 tháng chỉ đạt khoảng 431 tỷ đồng, chưa bằng 10% dự toán thu cả năm. Nguyên nhân chính là do bất động sản đóng băng và mua bán ô tô giảm nhiều. "Tác động của các chính sách tăng thuế trước bạ tăng lên 20%, phí đăng ký 20 triệu đồng/xe ô tô và sắp tới sẽ có thêm loại phí mới, nên 2 tháng đầu năm, số lượng ô tô mua bán rất ít, đặc biệt là xe giá trị cao gần như không có người mua" - ông Phi Vân Tuấn cho biết.

Đánh giá tổng quát về tình hình KT-XH Thủ đô tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội Nguyễn Thành Công cho rằng, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giúp chúng ta quản lý được thị trường, bảo đảm CPI tăng ở mức chấp nhận được, nhập siêu giảm, đời sống người dân vẫn ổn định… Vì vậy, tăng trưởng có thể giảm đi, nhưng chất lượng tăng trưởng không đồng nghĩa với việc này, thậm chí có thể coi xu hướng hiện nay là một thắng lợi. Hà Nội và cả nước nên tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp điều hành hiện nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.