Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên trì, sâu sát, phân định rõ trách nhiệm

Linh Nhi| 02/11/2010 06:32

(HNM) - Trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy luôn được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đã góp phần quan trọng kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện ma túy và tội phạm ma túy, song nhìn chung, hiệu quả của công tác này còn những hạn chế, tỷ lệ người tái nghiện vẫn ở mức trên 90%...


Kết quả từ sự nỗ lực

Báo cáo tổng kết của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay ở hầu hết các địa phương trên cả nước đã triển khai chương trình phòng, chống tội phạm ma túy gắn với việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư. Trong đó hơn 11 nghìn xã, phường và hơn 105 nghìn khu dân cư đã thực hiện công tác này gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Nhiều nơi xây dựng chương trình cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương đạt hiệu quả. Điển hình như khu dân cư Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), 5 năm qua không có người nghiện ma túy nhờ sự nỗ lực của MTTQ. Ban Công tác Mặt trận chủ động kết hợp với già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy, thường xuyên duy trì, tổ chức họp thôn, họp đoàn thể, phân tích đầy đủ tác hại của ma túy tới mọi người và gương mẫu không sử dụng, tàng trữ, buôn bán ma túy.

Phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) là đơn vị 10 năm liền được Bộ Công an tặng lá cờ đầu toàn quốc. Ông Phạm Huy Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường chia sẻ, MTTQ chú trọng biện pháp giúp đỡ tạo việc làm cho đối tượng nghiện, qua đó tạo cho họ ý chí, niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Xác định đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, MTTQ thường xuyên phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng cán bộ, đảng viên, chính quyền, đoàn thể chịu trách nhiệm quản lý, giúp đỡ người sau cai.

TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội cho biết, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP đã lập BCĐ phòng, chống ma túy do Phó Chủ tịch Ủy ban làm Trưởng ban. Tất cả các thành viên trong ban tham gia đầy đủ các khóa tập huấn của các ngành công an, y tế... để nắm vững thông tin, kiến thức, qua đó tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người nghiện ở các xứ họ đạo cai nghiện, hòa nhập cộng đồng. Với sự vào cuộc đồng bộ, công tác phòng, chống ma túy trong đồng bào công giáo đạt hiệu quả cao. Điển hình, giáo họ Phúc Tân là địa bàn phức tạp về ma túy có 12 người nghiện và nay tất cả số này đã được giúp đỡ cai, chưa phát hiện ai tái nghiện.

Sớm khắc phục tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"

Sau 5 năm MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, các cấp MTTQ đã tổ chức được 250.000 buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy với trên 12 triệu lượt người dự. MTTQ các cấp xây dựng và duy trì được 322 điểm chỉ đạo quy mô cấp xã và hơn 1.800 điểm chỉ đạo của các khu dân cư về phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội và HIV/AIDS; phối hợp xây dựng và duy trì được trên 20.000 hòm thư tố giác tội phạm, 22.040 đường dây nóng tại các khu dân cư, địa bàn trọng điểm để tiếp nhận thông tin của quần chúng. Cả nước có 150 mô hình phòng, chống, tội phạm, ma túy được xây dựng và duy trì. Tính đến tháng 6-2010, cả nước có 43,5% xã, phường không có tệ nạn ma túy. Nhân dân đã cung cấp hơn 1,6 triệu nguồn tin, trong đó có gần 60% có giá trị, giúp lực lượng công an và các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ phạm tội về ma túy.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã thừa nhận một số tồn tại. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa sâu sát, nhiều nơi chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chưa coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động chuyên môn. Việc tuyên truyền ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục, chỉ tập trung vào một số đợt cao điểm trong năm, nên tệ nạn chỉ giảm một thời gian, sau đó lại bùng phát, chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa". Việc nhân rộng điển hình và cảm hóa, giáo dục người vi phạm còn hạn chế chính là tác nhân dẫn đến hiệu quả phòng, chống ma túy còn thấp, tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức trên 90%.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm MTTQ tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, Thứ trưởng Bộ CA Lê Thế Tiệm đề nghị, MTTQ cần tích cực đẩy mạnh công tác phòng ngừa, chủ động đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy, quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh toàn dân, tính cách mạng của quần chúng. Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân tự phòng ngừa trong từng gia đình, cụm dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế phối hợp giữa MTTQ các cấp với lực lượng CA và chính quyền cơ sở trong quản lý, giáo dục người phạm tội, người nghiện ma túy tại cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên trì, sâu sát, phân định rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.