(HNM) - Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thành phố Hà Nội từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Không bỏ phí thời gian, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô cũng nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, người dân ở các làng nghề Hà Nội rất phấn khởi khi được sản xuất, kinh doanh trở lại. Dù gặp không ít khó khăn bởi hậu quả gây ra của đại dịch, song các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã rất chủ động và nỗ lực, vừa tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong điều kiện tình hình mới, tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch để bảo đảm sản xuất an toàn.
Tuy nhiên, trước những tác động của dịch, đến nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vẫn chưa thể hoạt động hết công suất như thời điểm trước dịch. Nguyên nhân một phần là do hầu hết cơ sở sản xuất chưa ký được đơn hàng mới; mặt khác, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ hàng hóa bị chậm khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị thiếu vốn tái đầu tư... Vì vậy, để các làng nghề Thủ đô sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương.
Trước mắt, để giải bài toán thiếu vốn, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, từ đó có nguồn lực đầu tư. Đồng thời, xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giảm tối đa lãi suất đối với các khoản vay cũ.
Liên quan đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin, chủ động kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong thời gian ngắn tới đây, dịch Covid-19 vẫn sẽ còn có thể có những diễn biến phức tạp, các ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề phát triển thương mại điện tử, xây dựng website, xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, cập nhật những quy định về tiêu chuẩn chất lượng, thị hiếu mẫu mã sản phẩm... để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có cơ sở định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, cần rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tại các làng nghề để tháo gỡ kịp thời.
Về lâu dài, cần tiếp tục triển khai một số chính sách mang tính chất căn cơ để hỗ trợ làng nghề như tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng nghề, thiết kế mẫu mã, kiến thức marketing... cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lao động tại các làng nghề.
Với các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch, cùng với việc chủ động xây dựng phương án sản xuất an toàn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên trì thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa duy trì sản xuất an toàn, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, các làng nghề của Hà Nội sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.