(HNM) - Năm 2021, nhờ kiên trì, bền bỉ trong thực hiện cải cách hành chính, việc giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều bước tiến. Đặc biệt, nhiều sáng kiến, mô hình hay từ cơ sở được tổng kết nhân rộng ra toàn thành phố đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Nhờ đó, năm 2021, tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn và trước hạn của thành phố Hà Nội đạt 99,5%. Số địa phương có tỷ lệ hồ sơ hành chính giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100% ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, việc các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) của Hà Nội còn ở mức khiêm tốn cho thấy công tác cải cách hành chính còn nhiều việc phải làm. Nhất là việc phần mềm ứng dụng hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp hay bị lỗi, công nghệ còn bất cập. Đâu đó vẫn còn sự phàn nàn về vấn đề phải “bôi trơn” khi giải quyết hồ sơ hành chính…
Để tiếp tục rút ngắn tiến độ, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 14-12-2021 của UBND thành phố Hà Nội về kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, xã bảo đảm cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, vận hành hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 theo các chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch của thành phố. Đặc biệt, phải quyết liệt xử lý những tồn tại liên quan đến phần mềm ứng dụng hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp…
Điều cần nhấn mạnh với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là phải tập trung vào trách nhiệm công khai thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị liên quan của công dân, tổ chức trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, yêu cầu nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện trong các lĩnh vực (thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, xuất bản, văn hóa)... nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cần được tiếp tục đẩy mạnh. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi nhiệm vụ, giao tiếp với công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hằng ngày trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp, cần thường xuyên tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, văn hóa ứng xử nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác giải quyết hồ sơ hành chính.
Về phía người dân, doanh nghiệp cũng cần tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, không tiếp tay cho “tham nhũng vặt”.
Tất cả cùng kiên trì, bền bỉ vì mục tiêu chung là thực hiện tốt nhất chủ đề công tác năm 2022 của thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.