(HNM) - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 đã bế mạc chiều 23-12 tại Hà Nội.
Ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo… là những định hướng điều hành vĩ mô chủ đạo sẽ được Chính phủ và các địa phương triển khai trong năm 2012. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương cần nhanh chóng vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm hoàn thành những chỉ tiêu phát triển KT-XH đã được Quốc hội giao.
Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển kinh tế
Những bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm 2011 như: lạm phát tăng cao, chênh lệch cán cân thương mại còn ở mức cao, đầu tư công còn dàn trải… đã khiến công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ gặp nhiều khó khăn. Với mục đích tập trung kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ngay trong những tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP. Với sự đồng thuận cao của toàn Đảng, toàn dân, kinh tế Việt Nam đã giữ vững được những chỉ tiêu kinh tế cơ bản, tạo tiền đề quan trọng để khôi phục đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 33% so với năm 2010, cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%). Tỷ lệ nhập siêu bằng khoảng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu (không quá 18%)... Những thành tích trên đã góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2011 đạt khoảng 5,9.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu KT-XH trong năm tới. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu ý kiến, bên cạnh việc nỗ lực cắt giảm đầu tư công, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư thông qua việc sớm ban hành cơ chế hấp dẫn nhằm thu hút các phương thức đầu tư mới như BOT, BOO, PPP để thay thế cho nguồn vốn đầu tư công bị cắt giảm.
Ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng, Chính phủ nên xem xét để huy động tối đa vốn FDI nhằm hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, sử dụng nguồn vốn huy động được đúng mục đích nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến xác đáng xung quanh việc cắt giảm đầu tư công. Theo ông, để kiềm chế lạm phát, việc cơ cấu lại đầu tư công quan trọng hơn là cắt giảm. Bởi đầu tư công phải tập trung vào những lĩnh vực có khả năng phát triển và sử dụng để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Do vậy, Chính phủ cần lượng hóa đầu tư công cho hợp lý để vừa phát triển, vừa bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh phải cắt giảm đầu tư. Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị giữ nguyên mức đầu tư từ nguồn ngân sách cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục ngay cả trong điều kiện cắt giảm đầu tư công. Bởi đây là hai lĩnh vực quan trọng, nếu cắt giảm không hợp lý sẽ dẫn tới tình trạng thiếu trường học, thiếu bệnh viện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân…
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Minh Nhật |
Tập trung nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế
Tại hội thảo, Chính phủ đưa ra thảo luận với các địa phương "Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2012". Nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết bao gồm 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó, nhóm giải pháp được ưu tiên hàng đầu là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bản dự thảo đã nhận được sự đồng thuận cao của đại diện các địa phương và bộ, ngành chức năng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm đối với đất nước của các đại biểu. Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm qua, song Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn và thách thức còn tồn tại của nền kinh tế như: lạm phát mặc dù được kiểm soát nhưng vẫn còn ở mức cao, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, lãi suất vẫn ở mức cao gây khó khăn cho DN, một bộ phận cư dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn…Do vậy, năm 2012, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Bởi nếu không quyết liệt trong kiểm soát lạm phát, sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát cao quay trở lại, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2012. Việc kiềm chế lạm phát trước hết phải thực hiện hiệu quả thông qua các giải pháp trong gói chính sách tiền tệ; làm tốt công tác quản lý giá; không để mất cân đối về cung cầu hàng hóa, chú trọng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu tại các thời điểm và địa bàn nhạy cảm... Thủ tướng lưu ý các địa phương quan tâm, chia sẻ, sát cánh cùng DN trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, qua đó, phấn đấu thực hiện mục tiêu duy trì tăng trưởng ở mức 6% và nếu điều kiện thuận lợi là 6,5% trong năm 2012. Cùng với đó, cần tập trung mọi nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DN và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2012 đang tới gần, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác kiểm soát giá cả, thị trường, thực hiện chính sách bình ổn giá đồng thời chăm lo Tết chu đáo cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo… bảo đảm cho nhân dân đón Xuân mới an toàn, lành mạnh, vui tươi và đầm ấm.
Với sự đồng thuận của các bộ, ngành địa phương và những kết quả kinh tế khả quan mà nước ta đã đạt được sau 20 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam sẽ có một nền tảng quan trọng để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm tới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nước ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH và từng bước khôi phục đà tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.