(HNM) - Thời gian qua, việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục. Càng ý nghĩa hơn khi trong những ngày này, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đám cưới văn minh càng được phát huy, lan tỏa trong cộng đồng.
Trước hết, phải khẳng định, không phải đến khi xuất hiện dịch Covid-19, việc cưới văn minh mới được đẩy mạnh. Từ trước đây nhiều năm, thành phố Hà Nội đã nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc này đối với việc “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, các ngành, địa phương và nhân dân Thủ đô đã thực hiện tốt Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Điểm nổi bật là trong quá trình triển khai đã xuất hiện không ít các hành động tích cực, các mô hình thiết thực, hiệu quả. Trong đó, nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu tổ chức việc cưới của bản thân hay con em mình theo nếp sống văn minh, từ đó lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống cộng đồng. Có thể kể đến những mô hình như: Đám cưới tổ chức tiệc trà; cưới tập thể; Đoàn Thanh niên một số địa phương hỗ trợ việc tổ chức, miễn phí phần âm thanh, ánh sáng cho đám cưới thực hiện theo nếp sống văn minh… Cái được lớn nhất của những việc làm này là được cộng đồng cổ vũ và làm theo.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, vì thế, việc tập trung quá 20 người cần hạn chế tối đa, bao gồm cả việc cưới. Các ngành chức năng và địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, bản thân các gia đình có việc hỷ đã nhận thức rõ việc ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm hoặc hoãn để tổ chức ở thời điểm thích hợp hơn.
Với hoàn cảnh hiện tại, rõ ràng những việc làm trên là rất cần thiết và cần được triển khai triệt để và quyết liệt hơn. Trong trường hợp bất khả kháng, cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành Y tế. Nhìn xa hơn, việc đẩy mạnh cưới văn minh vẫn là một nhiệm vụ cần được triển khai sát sao, xuyên suốt, không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền để quán triệt, tổ chức thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với triển khai các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Đặc biệt, các địa phương cần tiếp tục triển khai tốt mục tiêu thực hiện cưới: “Trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm” gắn với việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”. Quan tâm việc nêu gương, nhân rộng các điển hình, mô hình tốt, phù hợp với đặc thù địa phương, vùng miền và giá trị chuẩn mực xã hội, văn hóa truyền thống để cổ vũ toàn dân làm theo.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục gương mẫu đi đầu, phải là “hạt nhân” lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng. Đồng thời nhắc nhở, góp ý, thậm chí phê phán những đám cưới xa hoa, lãng phí, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức. Mỗi gia đình, mỗi đoàn viên thanh niên - những người đóng vai trò chủ yếu trong hôn nhân, cần thay đổi nhận thức, tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Lợi ích của cưới văn minh là rất lớn, do vậy, không chỉ trong thời điểm dịch bệnh này mà về lâu dài, phải kiên trì cách làm để đạt hiệu quả thực chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.