(HNM) - Nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh già hóa dân số, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc kiên trì bao phủ bảo hiểm y tế. Đây là nhiệm vụ khó, song vì mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, các ngành hữu quan, địa phương đã và đang cùng cố gắng thực hiện.
Số người tham gia bảo hiểm y tế có xu hướng giảm
Theo Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 12 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn 12% tổng dân số. Với tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở nước ta chiếm khoảng 17% dân số, tương ứng khoảng 17 triệu người. Con số này tăng lên khoảng 25% vào giai đoạn 2045-2050, tương ứng hơn 25 triệu người (trung bình 4 người dân có một người cao tuổi).
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho hay: “Nhiều người cao tuổi không có khoản tích lũy, trong khi họ là đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, nên không thể thiếu bảo hiểm y tế để được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. Như vậy, trong bối cảnh già hóa dân số, chính sách bảo hiểm y tế càng sớm đạt mục tiêu bao phủ toàn dân càng tốt cho nhiều phía”.
Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng luôn nỗ lực, đồng lòng thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Kết quả, đến cuối năm 2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Tuy nhiên, việc mở rộng diện bao phủ với gần 10% dân số còn lại, tương ứng với gần 10 triệu người không dễ thực hiện.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, thực hiện chính sách, nguyên Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn chỉ rõ, nhóm dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là thành viên các hộ gia đình nông, lâm, diêm nghiệp; hộ gia đình khác có mức sống thấp; người lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp mà người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…, khiến nhiều người dù muốn cũng không thể tham gia.
Điều đáng quan tâm, từ đầu năm 2022 đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế có xu hướng giảm. Đến đầu tháng 7-2022, số người tham gia bảo hiểm y tế còn 86,54 triệu người, bằng 88,66% dân số (giảm 2,35%, tương ứng với hơn 2 triệu người so với cuối năm 2021). Theo Phó Trưởng ban Quản lý thu, sổ - thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Trần Quốc Túy, nếu tình trạng này không sớm được khắc phục mỗi năm sẽ có thêm hàng trăm nghìn người dân giảm cơ hội được chăm sóc sức khỏe và được hỗ trợ phần lớn chi phí khám, chữa bệnh, dẫn đến nhiều vấn đề an sinh xã hội cần giải quyết…
Thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trong bối cảnh già hóa dân số, ngành Bảo hiểm xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đoàn thể… tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, giai đoạn 2022-2025, Hội cùng với ngành Bảo hiểm xã hội nhân rộng mô hình tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình ở 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội nông dân, phấn đấu thu hút đại đa số nông dân tham gia.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền về ý nghĩa của chính sách, với thông điệp: “Bảo hiểm y tế - hạnh phúc của mỗi người, gia đình”. Trong ngày ra quân 10-7 vừa qua, thêm hơn 15.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế khi hết tuổi lao động; hơn 41.000 người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Bà Trần Thị Minh (58 tuổi, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Với số tiền đóng không lớn, chưa đến 2 triệu đồng/năm cho 3 thành viên, cả gia đình tôi có thẻ bảo hiểm y tế. Từ nay, nếu không may các thành viên bị ốm đau phải điều trị, gánh nặng viện phí sẽ giảm”.
Tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị tiếp tục có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo giai đoạn 2021-2025; đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Ngành cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ 30% theo quy định hiện hành lên 50% cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc với một số nhóm người…
Với nhiều giải pháp đưa chính sách vào đời sống, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân sẽ dần cán đích với tỷ lệ bao phủ 95% dân số vào năm 2025. Trong đó, 100% người cao tuổi, 98% người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận an sinh xã hội thông qua bảo hiểm y tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.