(HNM) -
Công trường thi công dự án mở rộng tuyến đường Lê Trọng Tấn (ảnh chụp chiều 17-2). Ảnh: Khánh Huy |
Nhiều dự án vướng GPMB
Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn, Sở đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thi công, khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm, nhằm góp phần hoàn chỉnh quy hoạch giao thông, góp phần giảm ùn tắc. Cụ thể, dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ phố Tôn Thất Tùng đến Sông Lừ) xong trước ngày 30-4. Tuy nhiên, việc hoàn thành đường và cầu vượt Sông Lừ phụ thuộc rất lớn vào dự án cải tạo tuyến đường ven Sông Lừ. Với dự án đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, phấn đấu cơ bản hoàn thành các hạng mục vào ngày 30-6. Riêng hạng mục nút giao thông Bưởi khó đáp ứng được tiến độ bởi vẫn còn vướng 1 hộ dân trong phạm vi GPMB. Tại dự án cầu 361 cũng vướng 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, từ ngày mùng 8 Tết (ngày 15-2), các nhà thầu đã triển khai thi công. Hiện, gói thầu CP1 - đoạn trên cao, đã thi công 1.100/1.400 cọc bệ trụ, còn 300 cọc phải đợi hoàn thành việc di chuyển công trình cấp nước, thoát nước, cây xanh, viễn thông… mới có thể tiếp tục thi công.
Tại một dự án trọng điểm khác là đường Vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn cho biết, đã thông xe dải phía Bắc trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Phần còn lại, Ban đang phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng hoàn thành công tác GPMB. Ban kiến nghị Sở GT-VT Hà Nội bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông và có phương án tổ chức giao thông tại nút giao Nguyễn Khoái và nút giao Đống Mác; bổ sung đèn chiếu sáng trên tuyến.
Với Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (Dự án II), Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện 9/16 gói thầu đang trong giai đoạn hoàn thiện, 7 gói thầu còn lại đang triển khai. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là còn tới 160 phương án GPMB, trong đó có 23 phương án thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, 4 phương án thuộc quận Thanh Xuân, 6 phương án thuộc quận Ba Đình, 123 phương án thuộc quận Đống Đa… chưa hoàn thành, do vậy không thể thi công và hoàn thành một số hạng mục theo tiến độ. Ban quản lý dự án đề nghị thành phố giao lại những phần dự án chưa bàn giao mặt bằng cho UBND các quận, huyện tiếp tục thi công, hoàn thiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống thoát nước thành phố…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kiểm tra tiến độ thi công hạng mục cầu bắc qua sông Lừ thuộc dự án cải tạo, mở rộng đường Lê Trọng Tấn. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Khẩn trương "xốc" lại công việc
Khẳng định thành phố đã có những chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách GPMB, song một số chủ đầu tư còn trì trệ, năng lực một số nhà thầu còn hạn chế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu tất cả các sở, ngành, đơn vị liên quan phải khẩn trương "xốc" lại công việc, không lùi tiến độ. Phó Chủ tịch chỉ đạo: Dự án thoát nước II phải kết thúc trước ngày 30-6. Đường Lê Trọng Tấn mở rộng hoàn thành trước ngày 30-4. Với đường Vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn đốc thúc nhà thầu thi công ngay ở các khu vực đã có mặt bằng; chủ động làm việc với Sở Xây dựng, Sở GT-VT tăng cường hệ thống chiếu sáng, lắp đặt đèn tín hiệu và tổ chức giao thông trên tuyến.
Cùng với yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và an toàn giao thông trong quá trình thi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo GPMB thành phố khẩn trương "vào cuộc", cùng chính quyền các địa phương rà soát phương án di dời GPMB, kiên quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối… Đây đều là những dự án quan trọng nên UBND thành phố kiên quyết không cho phép lùi tiến độ - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Năm 2017, hoàn thành dự án Bệnh viện Nhi tại Hà Đông Liên quan đến dự án Bệnh viện Nhi tại quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội và đơn vị thi công phải hoàn thành xây dựng phần thô trong năm 2016, hoàn thiện đưa dự án vào sử dụng trong năm 2017. Sở Y tế chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo GPMB thành phố, UBND quận Hà Đông triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng, nếu vẫn không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.