(HNMO) - Người Hà Nội đã quen với hình ảnh Ô Quan Chưởng nhuốm màu thời gian với lớp lớp rêu phong phủ dày, nhưng ít ai biết chính các lớp rêu, nấm mốc đó là tác nhân phá hoại. Cửa ô lịch sử còn lại duy nhất của Thủ đô đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào... KTS Lê Thành Vinh, Viện Trưởng Viện bảo tồn Di tích phân tích.
Hình ảnh mới của Ô Quan Chưởng những ngày này khiến nhiều người ngỡ ngàng |
Những ngày gần đây, hình ảnh của Ô Quan Chưởng sau hàng loạt những công việc trùng tu, tôn tạo xuất hiện khá "mới mẻ", gây nhiều ý kiến trái chiều của người dân Thủ đô. Để có được những thông tin chính xác nhất về Dự án tu bổ, khắc phục sự xuống cấp của Cửa ô này, PV HNMO đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án.
Không thể trì hoãn thêm việc trùng tu
KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích |
Ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội: "Ô Quan Chưởng không hề bị "biến dạng"" Mọi phần việc thi công đối với di tích Ô Quan Chưởng đều dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng, cụ thể. Trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo một số ban, ngành của Bộ VH,TT&DL cũng đã xuống tận nơi để xem xét, chỉ đạo từ việc cần tu bổ những gì cho đến việc nên thay thế loại gạch nào cho phù hợp. |
74.000 USD chỉ đủ thực hiện 1/3 công việc phải làm
Theo kết quả khảo sát, tính toán công phu, nghiêm túc của các cán bộ thuộc Viện Bảo tồn di tích thì công tác trùng tu, tôn tạo, giải quyết "bài toán tổng thể" cho toàn bộ Cửa ô, từ việc gia cố lại nền móng, bảo vệ phần tường, xử lý hệ thống thoát nước, giải toả lấn chiếm xung quanh... phải mất kinh phí đến trên dưới 5 tỷ đồng. Do đó, với 74.000 USD tiền tài trợ của Đại sứ Hoa Kỳ chưa đủ để giải quyết thấu đáo mọi việc mà chỉ thực hiện chưa được 1/3 công việc phải làm.
Do đó, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Bảo tồn di tích bước đầu phối hợp thực hiện dự án ở giai đoạn 1 để giải quyết 3 vấn đề cơ bản, cấp bách trước mắt là gia cố ổn định, căn chỉnh lại kết cấu, bảo đảm tính bền vững của công trình; Loại trừ hư hỏng, những tác động xấu, sai lệch của những lần sửa chữa trước đó và giải quyết phần bề mặt Cửa ô
Những viên gạch cổ hiện ra rõ ràng hơn nhờ được làm sạch |
Các cán bộ của Viện Bảo tồn Di tích áp dụng công nghệ "đắt mặt nạ" cho từng viên gạch Cửa ô |
Đó là cách diễn đạt nôm na về công nghệ mới được áp dụng để xử lý bề mặt tường Cửa ô của Viện Bảo tồn Di tích. Công nghệ hoá bảo quản này trước đây đã được sử dụng trong trùng thu cổng Bắc Môn, Thành cổ Hà Nội. Các chuyên gia đã tìm ra chất để đưa vào bề mặt tường, lấy đi hết các chất bẩn, rêu mốc nhưng vẫn giữ lại vẹn nguyên chất vô cơ trong từng viên gạch. Với từng mảng gạch, tuỳ vào độ bị "ô nhiễm" khác nhau, lại sử dụng nồng độ hoá chất khác nhau. Sau khi được "lột mặt nạ", những viên gạch vồ cổ kính hiện ra sạch sẽ, tinh tươm mà vẫn giữ nguyên được "chất".
Với phần tường có trát vữa phía trên, do chất liệu vữa kém nên nhiều mảng tường đã bị hư hỏng, vừa bong tróc vừa bị rêu mốc bám đen, các cán bộ của Viện đã phải trát lại một số diện tích nhỏ và bước đầu sơn lót màu nâu đất.
Lý giải về màu sơn này, ông Vinh phân trần: "Chúng tôi không tự ý pha màu tự do, không thể bôi lên đó một lớp màu mới, sáng trưng mà phải căn cứ trên những lớp màu trước đây của Cửa ô. Hình ảnh Cửa ô xuất hiện những ngày này có thể có đôi chút mới mẻ với người dân Thủ đô nhưng công việc trùng tu chưa hoàn tất. Lớp sơn mà mọi người nhìn thấy của những dãy tường phía trên chỉ là sơn lót. Để tìm được màu sơn tương đồng với khung cảnh xung quanh, sắp tới, phần tường phía trên này sẽ được phủ thêm một lớp màu ghi"
Màu sơn nâu nhạt này chỉ là lớp sơn lót tạm thời |
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn (tức cửa phường Đông Hà), là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Ngày nay, Ô Quan Chưởng nằm nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần dưới chân cầu Chương Dương. Thời xưa, Ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành. Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. (Theo Wikipedia) |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.